24/03/2024 4:19 PM
Theo thời báo Time, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần với một núi nợ không bền vững ngày càng chồng chất, đẩy tỷ lệ nợ trên GDP đạt mức kỷ lục 288% vào năm 2023. Nghiêm trọng hơn, phần lớn khoản vay đã được dùng để mua những tài sản không còn mang lại đủ thu nhập để trả nợ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

https://api.time.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-1412363956.jpg?quality=85&w=1920

Doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm 1/3 và tỷ lệ xây dựng mới giảm 60% so với mức đỉnh trước đại dịch. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng nhà đất tồi tệ nhất thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua.

Các chuyên gia cho biết, tình hình hiện nay tại Trung Quốc khá giống với các cuộc khủng hoảng nợ mang tính chu kỳ đã gây khó khăn cho các nước tư bản trong lịch sử, nhất là cuộc khủng hoảng của Nhật Bản vào năm 1989 - khi bong bóng nợ phình to đã chấm dứt nhiều thập kỷ đạt mức tăng trưởng cao và giá tài sản tăng mạnh tại đất nước mặt trời mọc.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đạt đỉnh vào cuối năm 1989 và giảm gần 80% trong 13 năm tiếp theo. Giá bất động sản đã giảm trong 2 thập kỷ bắt đầu từ năm 1991. Kể từ đó, cả hai loại tài sản lớn này đều không vượt quá mức giá đỉnh trước thời kỳ khủng hoảng. Nhật Bản chuyển từ vị thế nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 1954 - 1973, thường tăng trưởng trên 10%/năm, sang nền kinh tế phát triển chậm nhất với tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ 1,75%/năm từ năm 1981 đến năm 2023.

Trung Quốc có thể phải đối mặt với những khó khăn dai dẳng tương tự như Nhật Bản.

Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự gia tăng nợ thậm chí còn ở quy mô lớn hơn Nhật Bản sau chính sách “bốn hiện đại hóa” theo định hướng thị trường vào cuối những năm 1970. Giống như Nhật Bản trong “phép lạ kinh tế” thời hậu chiến, sự tăng trưởng của Trung Quốc được dẫn dắt bởi sự bùng nổ của ngành xuất khẩu và bất động sản. Trong chưa đầy nửa thế kỷ, Trung Quốc đã đi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nghèo nàn với thương mại quốc tế hạn chế trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và đứng thứ hai sau Mỹ về số lượng tỷ phú.

Theo Time, bong bóng và nợ nần tăng nhanh tạo ra những lợi ích đối lập nhau. Các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc muốn đi vay thế chấp ngày càng nhiều để phát triển dự án nên giá bất động sản tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các chủ nợ theo xu hướng giảm giá – hầu hết là các ngân hàng lớn và chủ sở hữu trái phiếu – lo ngại rằng lạm phát giá cả làm giảm giá trị tài sản nợ của họ.

Nhưng bong bóng đang xẹp nhanh. Các chủ nợ Trung Quốc hiện đã thu hẹp quy mô cho vay mới và tăng lãi suất, tuân theo chính sách “ba ranh giới đỏ” của chính phủ vào năm 2020. Khi những nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất ở Trung Quốc phá sản hoặc bán tháo hoảng loạn để trả các khoản vay, giá tài sản sẽ tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư quay trở lại và mua tài sản với mức giá chiết khấu hấp dẫn. Điều này sẽ thiết lập mức sàn giá rất thấp, làm sụp đổ hệ thống giá cả trước đó và làm rung chuyển thị trưởng, nhưng cũng giúp tái phân phối của cải một cách nhanh chóng từ người vay sang chủ nợ.

Trung Quốc còn gặp thách thức lớn khi cố gắng thoát khỏi suy thoái, bởi hầu hết chính quyền tỉnh và địa phương đều thu lợi nhuận và đạt được uy tín bằng cách tài trợ cho việc phát triển bất động sản trên quy mô lớn. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đưa ra con số 8.400 tỷ USD, tương đương gần 50% GDP, cho hoạt động này. Chính quyền địa phương thu lợi nhuận giống như bất kỳ nhà phát triển bất động sản nào.

Nhưng chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại về giá trị của đồng Nhân dân tệ, vốn đã chạm mức thấp nhất trong 16 năm vào tháng 9/2023. Bắc Kinh đã can thiệp để ngăn đồng tiền Trung Quốc rớt giá quá nhanh bằng cách bán dự trữ ngoại hối và mua đồng Nhân dân tệ. Mặc dù có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, nhưng nếu sự bùng nổ bất động sản tiếp tục không được kiểm soát thì cuối cùng nguồn dự trữ này sẽ cạn dần.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chính sách kinh tế và bất động sản tại quốc gia tỷ dân đang làm khó tất cả các bên liên quan. Giá bất động sản tăng cao đã làm chậm lại nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ mong muốn mua được căn nhà đầu tiên. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ của Trung Quốc gần đây giảm mạnh. Các doanh nghiệp truyền thống đang gặp khó khăn bởi chi phí tài sản cao, thúc đẩy ngày càng nhiều hoạt động kinh doanh sử dụng internet. Mặt khác, giá giảm ảnh hưởng đến tất cả những người mua bất động sản bằng nợ thế chấp, dù là chủ nhà, nhà đầu tư hay doanh nghiệp. Họ có thể rơi vào tình thế khó khăn khi giá trị tài sản giảm xuống dưới mức nợ tồn đọng.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng lần này tại Trung Quốc phần lớn là do việc khuyến khích vay và cho vay của tư nhân. Khi nền kinh tế dường như quá nóng, Bắc Kinh thực sự đã hạ nhiệt thị trường bằng chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào tháng 8 năm 2020. Những hạn chế tín dụng này rất hà khắc đối với các nhà phát triển, do nhiều công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng như hàng triệu nhà đầu tư cá nhân đã mở rộng quy mô quá mức. Ngay khi giá cả bắt đầu ổn định và sau đó giảm xuống, nhu cầu của nhà đầu tư đã không còn. Người tiêu dùng có thể có nhu cầu mua bất động sản để sử dụng, nhưng nhà đầu tư hay đầu cơ chỉ muốn mua nếu họ tin chắc giá sẽ tiếp tục tăng.

Tình trạng sụt giảm giá bất động sản tại Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc, nhưng ít nhất chính phủ có thể phân phối lại các khoản lỗ. Việc ngăn chặn sự sụt giảm này là rất khó khăn, một phần vì lượng tồn kho khổng lồ các căn hộ chưa bán được hoặc đang xây dựng. Theo ước tính, số lượng căn hộ trống (nhiều căn chưa hoàn thiện) dao động từ 50 đến hơn 100 triệu căn. Ngay cả khi không có thêm bất kỳ ngôi nhà nào được xây dựng, có thể phải mất một thập kỷ hoặc hơn để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho hiện có.

Gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng duy trì việc làm của công nhân xây dựng bằng cách thúc đẩy các ngân hàng nhà nước tiếp tục cho vay để hoàn thành các dự án xây dựng bị tạm dừng khi các chủ đầu tư mất uy tín tín dụng, nhưng chính sách này sẽ làm tăng nguồn cung các căn hộ chưa bán được, đồng nghĩa với làm trầm trọng thêm mức độ giảm giá.

Nếu chính phủ quyết tâm để giá tiếp tục giảm cho đến khi người tiêu dùng và nhà đầu tư bắt đầu tin rằng chúng “đủ thấp”, thì sàn giá sẽ được thiết lập, nhưng sàn đó có thể quá thấp và doanh số bán quá nhỏ để tạo điều kiện cho các nhà phát triển và đầu tư bất động sản trả các khoản vay đã dùng để xây dựng hoặc mua các căn hộ đó, khiến nhiều căn hộ bị tịch thu và chủ sở hữu phá sản. Làn sóng phá sản đó sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính Trung Quốc, đặc biệt là các “ngân hàng bóng tối” không được kiểm soát đã đầu tư mạnh tay vào bong bóng nhà đất Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân thực sự dẫn đến sự suy thoái kinh tế và bất động sản hiện nay của Trung Quốc là do thời kỳ tăng trưởng nóng kéo dài đã chất chồng lên nhiều khoản nợ dễ tổn thương và không bền vững. Vì thế, họ e ngại rằng nếu càng bay cao, nền kinh tế và thị trường bất động sản càng có nguy cơ “ngã đau”.

  • Bất động sản đang bào mòn sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc

    Bất động sản đang bào mòn sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc

    Cuộc suy thoái của ngành bất động sản Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn vào tháng trước khi giá nhà giảm mạnh nhất sau 8 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ lĩnh vực từng là “con gà đẻ trứng vàng”, bất chấp nỗ lực giải cứu gần đây của chính phủ.

Lam Vy (TIME)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.