Các số liệu thống kê cho thấy, trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, nước ta đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với một lượng vốn đầu tư lớn và ngày càng tăng.
Năm 2000, nếu tổng vốn đầu tư xã hội (theo giá thực tế) là 151.000 tỷ đồng, thì năm 2009 là 709.000 tỷ đồng, bằng 4,6 lần.

Mặc dù vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng đã trở nên quá tải, thiếu điện nghiêm trọng, nhất là mùa khô, ùn tắc giao thông trở nên phổ biến, ngập úng ở những đô thị lớn ngày càng nhiều, chủ trương đầu tư chưa được tính toán kỹ, đầu tư thiếu đồng bộ, chậm triển khai dự án, chi phí phát sinh nhiều, thất thoát, lãng phí vốn đầu tư nghiêm trọng, hiệu quả đầu tư quá thấp.

Cần giải quyết vấn đề này như thế nào trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng với những bước phát triển vượt bậc về công nghệ, đang đặt các quốc gia vào cuộc đua tranh hướng đến đời sống hạnh phúc cho mỗi dân tộc?

Bài 1: Từ tư duy đến chính sách

“Cuộc hành trình đi đến tương lai sẽ là diễn biến nằm ngoài kinh nghiệm đã trải qua và chúng ta cần phải thay đổi tư duy một cách tương ứng”.(1)

Đổi mới tư duy

Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới tư duy từ đánh giá thành quả kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển hạ tầng kỹ thuật, đề ra định hướng và giải pháp mới, để trong thập niên tới, tạo đột phá lớn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà hiện đang là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế.

Cách tiếp cận mới dựa trên phương pháp so sánh không phải chủ yếu giữa năm nay với năm 2000 hay một năm nào trước đó, mà chủ yếu là: i) so sánh giữa các ngành với nhau để trả lời cho câu hỏi: vì sao cùng xuất phát điểm thấp kém như nhau mà có ngành vươn lên nhanh hơn, trở nên hiện đại, trong khi nhiều ngành vẫn ì ạch, luôn trong trạng thái ách tắc; ii) vì sao nhiều nước chỉ trong vài thập niên đã xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại, trong khi người Việt Nam không làm được (?).

Chúng ta có quyền tự hào về ngành bưu chính - viễn thông, chỉ khoảng 1 thập niên, từ cuối thế kỷ trước với thực trạng giá cao nhất thế giới, dịch vụ kém chất lượng, đến nay, đã trở thành ngành kinh tế tiếp cận công nghệ mới của thế giới, giá cả cạnh tranh đến mức Bộ Thông tin và Truyền thông phải “thổi còi”, không cho các doanh nghiệp hạ giá và khuyến mãi quá mức cần thiết; mọi người Việt Nam được sử dụng dịch vụ chất lượng cao và rất tiện lợi; một số doanh nghiệp viễn thông đã vươn ra thế giới; Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu ở Campuchia, một số doanh nghiệp đã tìm được chỗ đứng khá vững chắc ở những nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Singapore. Bước nhảy thần kỳ của ngành viễn thông Việt Nam bắt đầu từ chiến lược phát triển đúng và bước đi thích hợp, chọn đúng đối tác nước ngoài - Teltra của Australia với hình thức hợp tác kinh doanh vào năm 1991, khi nước ta đang chịu cấm vận quốc tế, nên đã du nhập được công nghệ mới, xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật đông đảo và có năng lực chuyên môn, có nhiều cán bộ lãnh đạo đủ bản lĩnh và hoài bão, chuyển từ độc quyền sang cơ chế cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường từ cuối thế kỷ trước, khi xuất hiện Viettel vào năm 1997 và sau đó là các nhà cung cấp dịch vụ khác. Bài học thành công của ngành bưu chính - viễn thông cần được các ngành khác vận dụng sáng tạo để thích ứng với đặc thù của ngành mình.

Một số tỉnh của Trung Quốc giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam chỉ mới được “khai phá” từ Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002), sau 5 - 7 năm, mỗi tỉnh đã xây dựng được hàng ngàn ki-lô-mét đường cao tốc. Người Đức xây dựng hệ thống autobahn - mạng lưới hàng ngàn ki-lô-mét đường cao tốc khắp cả nước từ cách đây 80 năm, trong điều kiện rất khó khăn của cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933. Người Nhật Bản từ đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ mất 15 năm (từ 1950 đến 1965) đã hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc. Các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng chỉ trong 10 - 15 năm đã có cơ sở hạ tầng hiện đại (!).

Trong khi đó, tại Đại hội VII năm 1991, Đảng ta đã chủ trương xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhưng sau 20 năm, nước ta chỉ có mấy đoạn đường cao tốc, mà mỗi đoạn không dài quá 50 km. Đại lộ Đông - Tây chỉ dài 20 km mà người Việt Nam trong thế kỷ XXI vẫn phải nhờ đến sự trợ giúp về vốn và công nghệ của Nhật Bản. Với 30 km đường Láng - Hòa Lạc, cũng phải mất 13 năm mới hoàn thành, kể từ năm 1997 khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý đồ xây dựng ba công trình tiêu biểu cho Thủ đô (Khu công nghệ cao Hòa Lạc rộng 1.200 ha, Trường đại học Quốc gia rộng hơn 1.000 ha và đường Láng - Hoà Lạc).

Chừng nào, những người trong cuộc vẫn tư duy theo lối cũ, tự thỏa mãn với một vài công trình chưa lấy gì làm to tát, thậm chí tìm cách biện minh cho tình trạng thất thoát, kém hiệu quả, chậm đưa vào sử dụng vì nguyên nhân khách quan, thì chừng đó, khó tìm được lời giải cho bài toán phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Từ Đại hội VI của Đảng, đổi mới tư duy kinh tế đã tạo ra những biến đổi to lớn của đất nước, thì ngày nay, cũng phải bắt đầu từ đổi mới tư duy phát triển để giải bài toán khó về phát triển cơ sở hạ tầng.

Thay đổi chính sách

Để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ODA vẫn là một nguồn vốn quan trọng, nhưng khi nước ta đặt chân vào nhóm nước thu nhập trung bình (thấp), thì điều kiện vay sẽ khác trước, lãi suất sẽ tăng lên. Do vậy, nguồn vốn trong nước dần chiếm tỷ trọng lớn.

Chính sách huy động vốn đầu tư cần được đổi mới theo hướng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân phát triển cơ sở hạ tầng, giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước, theo phương châm những công trình mà doanh nghiệp tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài (từng doanh nghiệp, liên kết, hợp tác) nhận làm, thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng ưu đãi, quản lý công trình và thu hồi vốn, ngân sách nhà nước tập trung vào các công trình ở vùng sâu, vùng xa, một số công trình y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, mà doanh nghiệp tư nhân chưa đầu tư.

Cùng với đổi mới chính sách huy động vốn là thực hiện cơ chế sử dụng vốn đầu tư để bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu thất thoát, lãng phí vốn. Trên cơ sở đó, cần theo đuổi nhất quán phương châm công khai, minh bạch trong đấu thầu, bằng hệ thống các tiêu chí khoa học để chọn được những nhà thầu đủ năng lực và đủ điều kiện thực hiện từng công trình.

Công tác quy hoạch cần được đổi mới theo hướng không giao các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện, để tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của từng doanh nghiệp không bảo đảm lợi ích quốc gia. Các quy hoạch ngành kinh tế - kỹ thuật được giao cho các viện nghiên cứu khoa học trên cơ sở đấu thầu công khai, để chọn được những tổ chức đủ năng lực, có ý tưởng tốt thích ứng với sự biến động trong nước và quốc tế. Khi đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, cần chuyển tải thông tin lên mạng, để người dân trong vùng quy hoạch biết và tham gia thực hiện.

Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cần được đổi mới để giải quyết tình trạng phổ biến đang diễn ra khắp cả nước là chậm trễ và giá đền bù quá cao, có công trình giao thông lên đến hơn 50% tổng chi phí xây dựng (thậm chí, ở Hà Nội, cách đây 3 năm, lập kỷ lục về chi phí xây dựng đoạn đường Kim Liên 15 triệu USD/km; năm 2010, đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu 65 triệu USD/km).

Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng, không thể áp dụng nguyên tắc đền bù theo giá thị trường, bởi giá thị trường biến động thường xuyên theo hướng gia tăng, thậm chí đột biến, làm cho nhiều công trình phải tăng thêm chi phí. Hơn nữa, vấn đề căn bản là bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân khi phải di dời chỗ ở để giải phóng mặt bằng, đồng thời bảo đảm lợi ích chung của quốc gia và của cộng đồng cần có nhiều công trình xây dựng mới.

Ở Trung Quốc, nhà nước bảo đảm lợi ích của những người phải di dời chỗ ở theo nguyên tắc: được nhà nước đền bù chỗ ở mới có diện tích, tiện nghi tốt hơn chỗ ở cũ, có nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cơ sở thương nghiệp, có điều kiện giao thông thuận lợi, nếu cần thiết được đào tạo nghề nghiệp và ưu tiên có việc làm. Khi tiến hành đền bù, thì công khai cho dân biết, bảo đảm công bằng đối với những người di dời, thực hiện nghiêm minh cùng một thời gian, định ra thời điểm tất cả phải di dời, không kéo dài, càng không vì một vài người khiếu kiện để thay đổi chính sách.

Việc triển khai xây dựng công trình cần được cải tiến đề bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội. Hiện có khá nhiều công trình do nhà thầu nước ngoài, nhất là Trung Quốc trúng thầu do bỏ giá thấp, hoặc thông qua quan hệ không lành mạnh, rồi thuê lại nhà thầu Việt Nam; một số công trình không thực hiện được, do không đủ bù đắp chi phí. Đây là vấn đề có tính thời sự, cần có giải pháp khắc phục theo hướng Chính phủ ban hành các quy định về ưu tiên cho nhà thầu trong nước, trừ trường hợp vay ODA có sự ràng buộc của nước cho vay phải ưu tiên cho doanh nghiệp các nước đó, nhưng phải lựa chọn nhà thầu theo các tiêu chí khoa học.

Cần khuyến khích việc thành lập các tổ chức tư vấn, giám định các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, chi phí hợp lý và triển khai đúng tiến độ.

Phương châm xã hội hoá cần được thể chế hoá bằng các quy định của Chính phủ trong từng lĩnh vực, trên cơ sở tổng kết và rút ra bài học từ các chủ trương, như đổi đất lấy hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất, giao khoán xây dựng từng khu phố mới cho các nhà thầu; đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hình thành mô hình thích hợp trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Khi khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đã tham gia xây dựng hạ tầng, thì khu vực công cần đảm nhiệm vai trò điều tiết các hoạt động, đồng thời cần khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào tiến trình lập các dự án đầu tư cho đến giám sát việc thực hiện; phải bảo đảm bằng các quy định của Chính phủ về quyền của người dân được tiếp cận thông tin các dự án, tính công khai và minh bạch về thông tin, mọi dự án phải được công bố công khai trước khi thực hiện và người dân được quyền đưa ra ý kiến phản kháng. Điều đó sẽ kích thích sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng và lôi kéo mọi công dân thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Yếu tố bảo đảm thành công của mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng là giải quyết đúng đắn việc phân phối lợi ích của các mối quan hệ cộng sự giữa những đối tác tham gia, kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, khu vực tư nhân, các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế, sự tham gia tình nguyện của cá nhân và cộng đồng được thể chế hóa bằng các quy định của Chính phủ để bảo đảm cả ba đối tượng: nhà nước, các nhà thầu và người dân và cộng đồng có quyền hạn, nghĩa vụ và được hưởng lợi.

GS.TSKH Nguyễn Mại
(Theo Đầu Tư)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland