05/05/2011 12:59 AM
Giá nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước (nhà theo Nghị định 61) sẽ cao vì theo bảng giá đất mới.
Tháng 3-2011, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tiếp tục bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo các quy định tại Nghị định 61/CP năm 1994 cho đến khi có nghị định mới thay thế. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng đề xuất chính sách mới để thực hiện sau khi chấm dứt việc bán nhà theo nghị định trên.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn tất Dự thảo nghị định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (dự thảo mới), đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 này để ban hành vào cuối năm nay.

Còn tồn gần 63.000 căn nhà

Hiện cả nước còn tồn gần 63.000 căn nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước (nhà NĐ 61) chưa bán được, chiếm gần 17% tổng số nhà thuộc diện được bán và tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, TP Hà Nội còn khoảng 45.000 căn; TP.HCM (đến hết năm 2010) còn khoảng 3.000 căn. Số nhà này phần lớn là những nhà có hồ sơ phức tạp, hộ dân đang thuê nhà khó khăn về kinh tế...

Theo ông Hoàng Tú, Trưởng Ban bán nhà theo NĐ 61, Sở Xây dựng TP Hà Nội, Hà Nội còn tồn số lượng lớn nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước chưa bán được là do một số trường hợp vướng quy hoạch, nhà ở khu phố cổ, nhà đang có tranh chấp, hồ sơ nhà bị thất lạc; quỹ nhà các cơ quan tự quản bị buông lỏng quản lý trong nhiều năm. Một lý do nữa là hầu hết số nhà này nằm rải rác, đan xen, không tập trung, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, cải tạo, sửa chữa và phát triển nhà.


Nhà ở trong khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội là nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước đã bán cho người dân. Ảnh: Hoàng Vân

Theo ông Tú, việc phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức chấm dứt từ cuối năm 1992 theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, sau thời điểm này, nhiều nơi vẫn tiếp tục phân nhà cho cán bộ và hiện chưa có cơ chế xử lý vấn đề này. Nhiều hộ dân đang ở nhà thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa được xem xét giải quyết, dù đủ điều kiện.

Những vướng mắc trên, dự thảo nghị định mới đã phần nào tháo gỡ.

Có hợp đồng thuê + không tranh chấp

Theo dự thảo nghị định mới, điều kiện được mua nhà cũ đang cho thuê của Nhà nước là người đang sử dụng nhà có hợp đồng thuê nhà hoặc quyết định phân phối nhà. Kèm theo nữa là nhà ở đó không có tranh chấp.

Dự thảo mới còn nêu, giá bán nhà bao gồm giá nhà và giá đất. Trong đó, giá nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của nhà nhân với giá nhà ở mới do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán. “Cách tính giá nhà trong dự thảo về cơ bản không có gì khác so với cách tính giá nhà theo NĐ 61” - một cán bộ ở Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá.

Giá đất được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà. Cụ thể, với nhà ở một tầng người mua phải nộp bằng 40% giá đất ở. Với nhà ở chung cư có nhiều tầng, người mua phải nộp bằng 10% giá đất ở và phân bổ cho các tầng theo các hệ số tương ứng. “Trong dự thảo mới, điểm thay đổi lớn nhất trong việc bán nhà cũ của Nhà nước là giá đất cao hơn rất nhiều so với trước: giá đất được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán. Vì vậy, giá bán nhà theo dự thảo mới sẽ cao hơn nhiều so với giá bán nhà theo NĐ 61” - vị cán bộ chỉ rõ.

Được mua cả nhà và đất liền kề

300.000 nhà thuộc sở hữu nhà nước đã được bán tính đến thời điểm hết năm 2010, hiện cả nước vẫn còn gần 63.000 căn nhà chưa bán được.

Dự thảo còn nêu: Với nhà ở cấp bốn tại các khu tập thể thì tiền sử dụng đất trong giá bán nhà được ghi nợ trong giấy chứng nhận. Khi thanh toán nợ, người mua nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đã mua trước đó và được trả nợ dần trong thời hạn tối đa năm năm. Sau năm năm mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Về hướng giải quyết đối với đất liền kề với nhà đã được mua theo NĐ 61 hoặc đã được mua hóa giá, theo dự thảo mới, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất liền kề cho chủ sở hữu nhà ở đã mua đó. Người mua phải đóng 40% tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức đất. Với phần vượt hạn mức, người mua phải đóng 100% tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

Với vướng mắc về việc phân phối nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho cán bộ, công nhân viên chức sau năm 1992 nhưng chưa được xem xét, dự thảo mới nêu hướng giải quyết: Nhà theo diện này sẽ được bán cho người đang sử dụng (nếu đủ điều kiện).

Dự thảo nghị định mới còn hướng dẫn: Với các trường hợp đã nộp đơn đề nghị mua nhà trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục hoàn tất thủ tục bán nhà theo các quy định tại NĐ 61.

Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.