15/12/2023 2:38 PM
Tổng vốn đầu tư tại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại thời điểm cuối quý 3/2023 là hơn 12.700 tỷ đồng. VNDirect đánh giá việc giải ngân chậm được xem là hợp lý vì Hòa Phát muốn đảm bảo thanh khoản và tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm 2023.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279 ha tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, dự án này do Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 85.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng.

Theo dự kiến, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.

Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

Hiện tại, nhà sản xuất này đang tập trung nguồn lực hoàn thành thủ tục pháp lý, đầu tư, xây dựng dự án Hòa Phát Dung Quất 2. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã đạt tiến độ 30% khối lượng công việc.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, trong 9 tháng đầu năm 2023, ước tính Hòa Phát đã giải ngân 3.300 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định cho dự án Dung Quất 2. Tổng vốn đầu tư tài sản cố định lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 3/2023 là 12.700 tỷ đồng.

VNDirect đánh giá việc giải ngân chậm là hợp lý vì doanh nghiệp thép đầu ngành này muốn đảm bảo thanh khoản và tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm 2023.

Đơn vị này kỳ vọng Hòa Phát sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2024-2025 để đảm bảo việc tăng công suất sản xuất HRC từ 3 triệu tấn hiện tại lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025. Trong đó, 50% công suất thiết kế sẽ được đưa vào vận hành từ giai đoạn 1 của dự án trên.

Sau khi được vận hành tối đa, dự án Dung Quất 2 sẽ nâng cao triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát giai đoạn 2025-2027 với tốc độ tăng trưởng kép ước tính đạt 30% khi bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại.

Trước đó, doanh nghiệp này đã cho đi vào hoạt động Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng. Sau Dung Quất 2, tập đoàn đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, có thể không đặt ở Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, quy mô doanh thu của tập đoàn sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng mỗi năm so với hiện nay.

Các dự án lớn mà Hòa Phát đang triển khai đầu tư

Hiện tại, nhà sản xuất này đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm, dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Ngoài ra, còn 1 lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.

Trong năm 2022, Hòa Phát phải đóng cửa 4 trong tổng cộng 7 lò cao luyện thép ở cả Hải Dương (đóng 2 trong 3 lò) và Dung Quất (đóng 2 trong 4 lò) do thị trường thép trong giai đoạn suy giảm cũng như để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh được tiếp tục duy trì.

Gần đây, doanh nghiệp này tiếp tục dừng hoạt động 1 lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương trong tháng 10/2023. Được biết, lò cao mà nhà sản xuất thép này chuẩn bị dừng hoạt động có công suất 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 14% tổng công suất toàn hệ thống.

Xem thêm: Bản đồ Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi

Sản lượng bán hàng cao nhất 20 tháng

Để chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động lò cao, Hòa Phát đã tăng tốc sản xuất thép thô để tích trữ thành phẩm cho giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, trong tháng 11/2023, Hòa Phát đã sản xuất 623.000 tấn thép thô, tương đương tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10 và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sản lượng bán cao nhất của tập đoàn trong 20 tháng.

Đáng chú ý, bán hàng thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát trong giai đoạn này đạt 410.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ.

Với sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, nhà sản xuất này đã cung cấp ra thị trường gần 270.000 tấn, tương đương với tháng 10. Trong đó, bán hàng thép HRC tại khu vực phía Bắc đạt kết quả khả quan, tăng tới 55%.

Ngoài ra, tập đoàn còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 6 triệu tấn thép thô, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2023, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 84.570 tỷ đồng doanh thu và 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 27% và 63% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 56% về doanh thu và gần 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.