Sau khi cắt giảm 14% công suất toàn hệ thống, sản lượng sản xuất thép thô của Hòa Phát sau 11 tháng chỉ đạt 6 triệu tấn, 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), trong tháng 11 vừa qua, doanh nghiệp sản xuất được 623.000 tấn thép thô, tương dương tháng trước.

Hòa Phát tiêu thụ 709.000 tấn thép trong tháng 11, cao nhất trong 20 tháng qua

Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10. Đáng chú ý, bán hàng thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát trong giai đoạn này đạt 410.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, thị trường thép xây dựng trong nước tăng do bắt đầu vào mùa xây dựng và một phần đến từ các chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Sản lượng tiêu thụ mặt hàng thép xây dựng tại cả ba miền trong tháng 11 đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, mức tăng cao nhất là khu vực phía Nam, tăng 47% so với tháng trước”, lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ.

Với sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, nhà sản xuất này đã cung cấp ra thị trường gần 270.000 tấn, tương đương với tháng 10. Trong đó, bán hàng thép HRC tại khu vực phía Bắc đạt kết quả khả quan, tăng tới 55%.

Ngoài ra, tập đoàn còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.

Thép xây dựng Hòa Phát

Trước đó, theo thông tin từ Chứng khoán Dầu khí (PSI), Hòa Phát đã ngưng hoạt động 1 lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương trong tháng 10/2023 để bảo dưỡng, chuẩn bị cho các đợt sản xuất mới vào năm 2024.

Được biết, Khu liên hợp gang thép Hải Dương có 3 lò với tổng công suất là 2,5 triệu tấn/năm. Trong đó, lò cao mà nhà sản xuất thép này dừng hoạt động có công suất 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 14% tổng công suất toàn hệ thống.

Để chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động lò này, Hòa Phát đã tăng tốc sản xuất thép thô trong quý 3/2023 để tích trữ thành phẩm cho quý cuối năm. Theo đó, sản lượng sản xuất thép trong quý 3 vừa qua đạt 1,95 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng, doanh nghiệp đầu ngành thép này đã sản xuất 6 triệu tấn thép thô, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.

Cụ thể, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 3,3 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực…), giảm 15%. Trong đó, hoạt động xuất khẩu các loại thép này đóng góp 695.000 tấn, giảm 37%.

Sau 11 tháng, nhà sản xuất này còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 2,5 triệu tấn thép HRC, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng phôi thép đạt mức 109.000 tấn.

Các sản phẩm ống thép tiêu thụ trong giai đoạn này đạt sản lượng 616.000 tấn và tôn mạ các loại đạt 304.000 tấn, lần lượt giảm 11% và tăng 3% so với sản lượng bán hàng 11 tháng đầu năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2023, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 84.570 tỷ đồng doanh thu và 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 27% và 63% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 56% về doanh thu và gần 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.

Thị trường thép sẽ phục hồi trong năm 2024?

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VPBank (VPBankS) kỳ vọng thị trường thép sẽ phục hồi tốt hơn với động lực chủ yếu đến từ việc giá thép bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục và đầu tư công được đẩy mạnh cũng là động lực lớn giúp cải thiện nhu cầu thép trong thời gian tới.

Hiện tại, tình trạng ảm đạm của ngành thép trong nước được phản ánh rõ nét qua giá bán khi giá mặt hàng này vẫn đang trong xu hướng giảm. Giá mặt hàng này chỉ bằng khoảng 70% từ vùng đỉnh năm 2022, điều này thể hiện sức cầu trên thị trường yếu.

VPBankS cho rằng thị trường đang trong vùng đáy và sẽ cần chờ những tín hiệu tích cực hơn ở đầu ra để có thể đưa ngành thép quay lại chu kỳ tăng trưởng.

Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý 3/2023 mới bằng khoảng 73% so với quý 3/2022 nhưng đã tăng tới 24,7% so với quý 2/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của CBRE, mặc dù tình hình bất động sản trên cả nước vẫn còn ảm đạm nhưng đã có một số tín hiệu tích cực khi từ quý 3/2023, lượng cung cầu về căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đã tăng lên. Đặc biệt, mức độ hấp thụ đã vượt trên tốc độ bán trong 2 quý gần đây, cho thấy nguồn cầu đang hồi phục từ đáy.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ về chính sách quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn cuối năm để tháo gỡ thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng tạo đầu ra cho ngành thép trong năm 2024.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm