Năm nay, Hà Nội sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 853 dự án với tổng diện tích đất phải thu hồi khoảng 9.998,5ha, liên quan đến 150.725 hộ dân tại 29 quận, huyện, thị xã.
Có thể nói, khối lượng việc GPMB, thu hồi đất như vậy là rất lớn, đặc biệt trong hoàn cảnh cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập và liên tục thay đổi. Làm thế nào để việc GPMB thực sự góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa Thủ đô, đồng thời giải được "bài toán" hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân đang là những nội dung được TP quan tâm tháo gỡ.

Còn bất cập về cơ chế, chính sách
Thực hiện GPMB: Tăng đối thoại, hài hòa lợi ích

Dự án đường Vành đai 2,5 tại quận Hoàng Mai gặp nhiều khó khăn về GPMB.


Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho rằng, năm qua Hà Nội đã hoàn thành việc GPMB nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của Chính phủ và TP. Toàn TP đã hoàn thành GPMB 462 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 2.111ha, chi trả hơn 13.100 tỷ đồng cho 44.415 hộ dân, bố trí tái định cư (TĐC) cho 2.996 hộ dân. Nhiều dự án trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn thành đưa vào sử dụng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một vấn đề nổi cộm trong GPMB thời gian qua, nhất là năm 2010 là sự bất cập về cơ chế, chính sách GPMB giữa các vùng Hà Nội "cũ" và "mới" sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Chính sách đan xen giữa mới và cũ có nhiều điểm vênh nhau làm nảy sinh mâu thuẫn phức tạp, đặc biệt với các dự án trải rộng trên nhiều địa bàn, như đường Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường 32… Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, lãnh đạo TP đã trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ tại chỗ nhiều vấn đề phức tạp, đặc thù theo từng địa bàn, từng dự án, bảo đảm sự kịp thời, đồng bộ, theo hướng có lợi nhất cho người bị thu hồi đất; tổ chức đối thoại với các hộ dân bị thu hồi đất ở những dự án, địa bàn phức tạp, tăng cường kiểm tra, giải quyết vướng mắc. Cùng với đó, TP cũng ra văn bản về giải quyết những tồn tại, vướng mắc đặc thù... trên cơ sở sát thực, đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền của TP. Do đó, nhiều dự án dân sinh bức xúc đã tồn tại qua nhiều năm được giải quyết dứt điểm, đáp ứng đủ mặt bằng để hoàn thành các dự án đầu tư, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, ổn định tình hình địa phương.

Cần tăng cường đối thoại

Như đã nói ở trên, 853 dự án phải GPMB trong năm 2011 là một khối lượng công việc rất lớn, nhu cầu vốn bố trí để GPMB cho số dự án này khoảng 19.000 tỷ đồng. Ngoài khó khăn về nguồn vốn thì quỹ nhà, đất phục vụ TĐC cũng thiếu. Ước tính, số hộ phải TĐC của 853 dự án khoảng 17.900 hộ, nhưng đến nay quỹ nhà, đất TĐC mới đủ đáp ứng cho 10.781 hộ. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách GPMB dù đã có điều chỉnh nhưng vẫn chưa đồng bộ, nên dự kiến trong năm 2011 toàn bộ 29 quận, huyện, thị xã chỉ có thể hoàn thành việc GPMB 326 dự án. Số dự án còn lại sẽ phải chuyển tiếp sang năm 2012.

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, năm 2011 Hoàng Mai phải GPMB 62 dự án. Ước tính, quận cần khoảng 1.200 căn hộ để TĐC nhưng hiện tại, quỹ nhà này thiếu rất nhiều. Riêng dự án Công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cần tới 500 căn hộ, song đến nay chưa có căn nào. Cũng băn khoăn về nhà đất TĐC, ông Cấn Văn Lai, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất cho rằng, một số đơn vị chủ đầu tư chỉ quan tâm đến mặt bằng để thi công, mà chưa chú ý đến việc làm hạ tầng khu đất TĐC để tổ chức chia lô, chia thửa cho dân xây dựng nhà cửa sớm ổn định cuộc sống. Việc chậm trễ này vừa gây bức xúc cho dân, vừa làm thiệt hại kinh tế của Nhà nước. Do đó, TP cần chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung hơn vào nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông kiến nghị, việc triển khai GPMB với các dự án quy mô lớn, trải rộng trên địa bàn nhiều quận, huyện hiện rất khó khăn. Quy định hiện nay là các quận, huyện phải tổng hợp toàn bộ dự án (từ kiểm đếm, phương án dự thảo cho đến phân loại hồ sơ…) sau đó gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định. Sau khi thẩm định xong, các quận, huyện mới ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ và tiến hành GPMB. Quy trình này sẽ làm chậm tiến độ chung toàn dự án, bởi có địa phương thuận lợi nhưng cũng có nơi phức tạp. Vì vậy, TP nên phân kỳ triển khai GPMB. Phần thuộc địa phương nào có thể làm trước thì triển khai ngay, tránh tình trạng ngồi đợi nhau.

Để tháo gỡ khó khăn trong GPMB, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, khi giải quyết các vấn đề liên quan tới GPMB, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, phát huy quyền dân chủ của dân. Yêu cầu đặt ra là người dân phải được thông tin đầy đủ về các nội dung liên quan. Những vấn đề chưa rõ phải được tổ chức đối thoại giữa các bên (chủ đầu tư, đại diện chính quyền và người dân) nhằm tìm được tiếng nói chung. Việc giải quyết phải bảo đảm kết hợp các lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và của nhà nước trên cơ sở luật pháp. TP yêu cầu các tổ chức, các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân liên quan đến GPMB; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong giải quyết công việc theo thẩm quyền… TP cũng chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách; làm tốt công tác TĐC, tạo điều kiện cho các hộ dân đến nơi ở mới thuận lợi, sớm ổn định đời sống…
Cafeland.vn - Theo HaNoiMoi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland