10/04/2023 10:29 AM
Tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch sẽ xây dựng vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế.

Chưa tương xứng với tiềm năng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau hơn mười năm thực hiện Đề án 1955 của Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đơn cử, kinh tế phát triển khá toàn diện, đồng thời kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống giao thông đã được quan tâm đầu tư, khắc phục được tình trạng chia cắt giữa các địa phương hai bên phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tại khu vực này đã và đang hình thành các đô thị du lịch biển như Điền Lộc, thị trấn Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Lăng Cô và các khu du lịch biển, đầm phá.

Trong mười năm qua, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương kết hợp ngân sách địa phương và các nguồn vốn của các doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư ước đạt 31.000 tỉ đồng, chiếm 17,3% vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đạt 33% so với nhu cầu nguồn lực xây dựng đề án.

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, việc phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng còn nhiều hạn chế, như hạ tầng phát triển du lịch thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; công nghiệp ven biển chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư, chế biến sâu tạo có giá trị gia tăng cao.

Chưa hết, công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa đồng bộ. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư chậm; thiếu những dự án đầu tư chiến lược, có quy mô lớn để tạo đột phá, động lực phát triển vùng.

Phát triển vùng du lịch sinh thái

Ngày 28/3 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND thống nhất chủ trương về Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Phạm vi nghiên cứu của đề án bao gồm 44 đơn vị cấp xã đầm phá, ven biển thuộc thành phố Huế và 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.

Đề án sẽ nghiên cứu toàn thể vùng lãnh thổ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm cả khu vực Đầm Lập An và vùng mặt nước biển - đầm phá liên quan. Ngoài ra, một phần khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng thuộc phạm vi của đề án vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đề án cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ. Tại khu vực này sẽ phát triển mạnh các ngành kinh tế có tiềm năng, tạo chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng du lịch - thủy sản - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái.

Đề án xác đinh xây dựng vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế. Đến năm 2025, Cảnh Dương – Lăng Cô được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Đến năm 2030, vùng sẽ đóng góp trên 50% vào doanh thu du lịch của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển cơ sở vật chất du lịch, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch, sẽ đôn đốc triển khai đầu tư các khu du lịch cao cấp tại Thuận An, Vinh Thanh, Lộc Bình và Lăng Cô.

Tỉnh sẽ kêu gọi các dự án đầu tư có chất lượng phù hợp với phát triển du lịch, đặc biệt ở các khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp cao cấp tại các bãi biển có nhiều lợi thế về cảnh quan và môi trường như Ngũ Điền, Phong Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, Lăng Cô và Cảnh Dương.

Song song với đó, tỉnh sẽ phát triển khu du lịch tổng hợp biển đảo Hải Vân - Sơn Chà, từng bước hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng gắn với cảnh quan đầm phá và văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư.

Tỉnh cũng sẽ hình thành các tuyến, điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cửa sông Ô Lâu, tràm chim Bắc Biên, Rú Chá, khu bảo tồn sinh thái biển đảo Sơn Chà - Hải Vân, các điểm du lịch sinh thái rừng núi phía Tây đầm Lập An.

Tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng sẽ được đầu tư phát triển cảng biển, thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ cần nguồn vốn từ 50.000-60.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021-2025 và từ 100.000-110.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2026-2030.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.