04/08/2010 7:35 AM
Thống đốc NHNN trả lời báo chí về nội dung sửa đổi, bổ sung trong hai Luật Ngân hàng năm 2010 ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật NHNNVN và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Thống đốc NHNN công khai trả lời các vấn đề liên quan đến hai Luật Ngân hàng

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vừa thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thưa thống đốc, so với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật NHNN được sửa đổi, bổ sung năm 2003, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 có những điểm mới, tiến bộ nào thưa Thống đốc?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 gồm 7 chương, 66 Điều. Trong đó, bổ sung mới 26 điều, sửa đổi, bổ sung 38 điều, giữ nguyên 5 điều và huỷ bỏ 4 điều trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2003.

Cách thiết kế trong Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 đã thể hiện rõ hơn vị trí của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, đồng thời xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ của NHNN với tư cách là NH TW của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 còn có những nội dung quan trọng khác đã được điều chỉnh, sửa đổi so với Luật hiện hành trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, như: lãi suất, kế toán, quan hệ với Kho bạc Nhà nước, dự trữ ngoại hối, kiểm toán nội bộ, quản lý nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi…

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 đã đưa ra được nội hàm của chính sách tiền tệ quốc gia để làm cơ sở phân định thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia của Quốc hội, Chính phủ: “Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát; quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.”

Theo đó, Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng; Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.

Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 đã có lời giải cho những lo ngại về vai trò của lãi suất cơ bản trong việc làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi?

Trong nền kinh tế thị trường, c hính sách tiền tệ sẽ từng bước được thực hiện thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều các công cụ gián tiếp, đặc biệt là việc Ngân hàng Trung ương sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để tác động đến các mức lãi suất ngắn hạn, qua đó, tác động đến tỷ lệ tăng cung tiền và tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong quá trình này, thông thường các Ngân hàng Trung ương đều muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng về mức lãi suất cho vay ngắn hạn mà mình mong muốn. Đây là lý do tại sao các Ngân hàng Trung ương thường công bố một số lãi suất điều hành chính sách của mình.

Quy định về lãi suất trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 đã tách lãi suất điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi, vừa đảm bảo để Ngân hàng Nhà nước điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, vừa có cơ sở để áp dụng quy định của các luật liên quan như Luật Dân sự, Hình sự, Lao động, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước….

Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi nội hàm lãi suất cơ bản theo hướng không công bố “trước” lãi suất cơ bản để định hướng lãi suất thị trường mà thực hiện cơ chế công bố “sau” về lãi suất đã được hình thành trên thị trường của các tổ chức tín dụng để làm cơ sở cho việc phòng, chống cho vay nặng lãi trong nền kinh tế.

Vấn đề quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước được thể hiện trong Luật như thế nào?

Kể từ khi hình thành vào năm 1991 đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Việc quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của Chính phủ là phù hợp với pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối. Trong trường hợp việc sử dụng Dự trữ ngoại hối làm thay đổi dự toán Ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách.

Những nội dung mới chủ yếu về hoạt động của các tổ chức tín dụng được thể hiện trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như thế nào?

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định r anh giới phân biệt hoạt động giữa các tổ chức tín dụng là ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng (tổ chức tín dụng phi ngân hàng) được làm rõ hơn, theo đó các tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được phép nhận tiền gửi của dân cư (của các cá nhân), không được cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Quy định này phù hợp hơn với thông lệ áp dụng tại hầu hết các nước và một mặt giảm bớt được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, mặt khác cho phép các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được mở rộng phạm vi cung ứng các dịch vụ ngân hàng do các quy định về an toàn sẽ được áp dụng ở mức độ thấp hơn.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định rõ những nghiệp vụ tổ chức tín dụng đương nhiên được kinh doanh; những nghiệp vụ kinh doanh phải được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những nghiệp vụ khi thực hiện phải thành lập công ty con, công ty liên kết và những nghiệp vụ tổ chức tín dụng không được thực hiện.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (trước đó là 20%)

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có nhiều quy định để nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trên cơ sở quán triệt quan điểm: tổ chức tín dụng là các doanh nghiệp đặc biệt, cần được quản lý một cách đặc biệt và tiếp cận sát với thông lệ quốc tế về các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng (các nguyên tắc của Uỷ ban Basel). Nội dung này được thể hiện như sau:

Một là , l uật Các tổ chức tín dụng 2010 đã quy định về cấp phép đối với các tổ chức tín dụng theo hướng nâng cao các yêu cầu, tiêu chí, điều kiện để bảo đảm an toàn cho từng tổ chức tín dụng và cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hai là , l uật Các tổ chức tín dụng 2010 đã quy định theo hướng đại chúng hoá về sở hữu đối với các tổ chức tín dụng cổ phần để hạn chế việc chi phối, lạm dụng quyền lực do sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần. Cụ thể, Luật đã quy định giới hạn t ỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Ba là, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu trong quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng

Bốn là , Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã đưa ra các quy định hạn chế và kiểm soát việc tổ chức tín dụng mở rộng phạm vi hoạt động sang quá nhiều lĩnh vực không có liên quan trực tiếp đến hoạt động chính của tổ chức tín dụng. Cụ thể, Luật quy định tổ chức tín dụng được thành lập công ty con, công ty liên kết, góp vốn, mua cổ phần đối với những lĩnh vực nào và trong giới hạn tỷ lệ sở hữu là bao nhiêu….

Năm là, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có một điều chỉnh quan trọng so với Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 là không xác định hạn mức tín dụng cho một khách hàng theo từng loại nghiệp vụ tín dụng, mà đưa ra hạn mức cấp tín dụng tổng thể đối với một khách hàng.

Sáu là, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đưa ra các quy định nhằm hạn chế các xung đột lợi ích thông qua các quan hệ cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần chéo, góp vốn, mua cổ phần ngược giữa tổ chức tín dụng, công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát.

Bảy là , để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn sớm sự đổ vỡ của các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã quy định bổ sung thêm 2 trường hợp mà một tổ chức tín dụng có thể bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; đồng thời, quy định theo hướng trao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm quyền lớn hơn trong việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt...


Cafeland.vn
Theo SBV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.