01/11/2023 4:09 PM
Sáng 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội.

Về tổng quan điều hành công tác chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn thách thức vì kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác.

Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Đặc biệt, khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội ngày 1/11. Ảnh: Quochoi

“Trước bối cảnh khó khăn và nhiệm vụ nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp chung vào thành công chung của nền kinh tế”, bà Hồng nêu.

Liên quan tới vấn đề điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bà Hồng cho rằng, nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong nướccao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Vì thế, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt trong năm nay, với các giải pháp thúc đẩy cả phía cung và cầu tín dụng. Theo đó, ở phía cung, hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay được phân bổ cho các ngân hàng từ giữa năm nay.

Ở phía cầu, lãi suất điều hành được điều chỉnh 4 lần, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm 2% so với năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của khoản vay cũ và mới thì lãi suất vay giảm khoảng 1% so với cuối 2022.

“Hiện lãi suất cho vay đã về bằng so với trước dịch Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Theo dữ liệu của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay trung bình giai đoạn 2017-2018 khoảng 8,86-8,91% một năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỷ đồng… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm (đến 27/10/2023 tăng 7,1% so với cuối năm ngoái).

“Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, phân tích nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ các ngành cùng Ngân hàng nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng”, bà Hồng nói trong phần phát biểu giải trình.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% cái nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý.

“Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo”, bà Hồng nói.

Trước đó ông Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho biết, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn. Tín dụng cho nền kinh tế khó đạt mục tiêu tăng 14% năm nay, khi tới cuối tháng 10 mới đạt trên 7%. Áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Để tháo điểm nghẽn về tăng trưởng tín dụng, ông Trần Anh Tuấn gợi ý, tín dụng dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên ngoài áp cho các khoản vay ngắn hạn, nên có cơ chế cho các khoản vay trung, dài hạn. Bởi vì các lĩnh vực ưu tiên, như công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số... là động lực tăng trưởng kinh tế và gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.