Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh trước bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần tiền nhưng không thể hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm.

Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường 2,5 ngày về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, vượt qua nhiều thách thức, kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục có bước hồi phục tích cực. Tuy nhiên, ông Sơn dẫn số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy tín dụng tăng chậm lại, trong khi nợ xấu gia tăng. Đến 11/10, tín dụng đạt 6,29% so với 2022, thấp hơn trên 4,8% so với cùng kỳ 2022. Nợ xấu nội bảng tới cuối tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu dưới 3%.

Điều khiến đại biểu băn khoăn là báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi

“Trường hợp tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản dư thừa, thị trường đang trầm lắng và niềm tin của người dân vào thị trường sụt giảm”, ông nhận xét.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cũng lo ngại khi tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.

“Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Hoặc do khả năng đầu tư bị giảm sút, doanh nghiệp không có nhu cầu vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định”, ông Cường đánh giá.

Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được 781 tỷ đồng, còn hơn 39 nghìn tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

“Việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là cấp thiết trong thời điểm này”, ông Cường nói

Đại biểu đề nghị bên cạnh việc giảm lãi suất, cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế. Điều này không chỉ giúp kinh tế phục hồi mà còn thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.

Doanh thu 100 tỷ, đóng thuế 45 tỷ

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành. Tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp.

Trong bối cảnh đó, chính sách thuế lại chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế, không chỉ việc áp thuế mà cách tính thuế cũng gây khó khăn.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Quochoi

Dẫn chứng ở tỉnh Quảng Nam, ông Phước cho biết một doanh nghiệp kinh doanh sân golf với diện tích trên 60 ha, doanh thu mỗi năm là 100 tỷ đồng, nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng. Thực tế này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đã kiến nghị nhiều lần vì cách tính thuế bất cập.

“Cách tính thuế, áp thuế hiện nay áp ngay cả tuyến đường chính và tổng diện tích 60ha nên doanh nghiệp không chịu đựng nổi”, ông Phước nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu vấn đề giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, nhất là giá cả vật liệu, nhân công. Nhiều đơn giá nhà nước lại chậm thay đổi, quá thấp nên doanh nghiệp xây dựng thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt, chậm tiến độ còn hơn là chịu thua lỗ. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giải ngân đầu tư công thấp.

Trong thời gian tới, đại biểu đề xuất Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.