06/11/2013 1:52 PM
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, toàn thành phố Hà Nội cần khoảng 80.000 căn hộ nhà ở xã hội, trong khi đó Hà Nội mới được phê duyệt xây dựng 13 nghìn căn. Hầu hết số căn hộ đã được phê duyệt nhưng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục hoặc mới bắt đầu động thổ, khởi công nên nguồn cung nhà ở xã hội sắp hoàn thành đang rất thiếu.

Còn theo một số liệu từ Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến ngày 25/10, các ngân hàng đã cam kết cho 872 khách hàng cá nhân vay hơn 310 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 853 khách hàng với dư nợ 206,2 tỷ đồng, tăng khoảng 45% so thời điểm ngày 30/9 vừa qua.

Ðối với khách hàng doanh nghiệp (DN), NHNN đã xác nhận đăng ký cho bảy DN tại TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương, Ðà Nẵng được tiếp cận vay vốn theo gói hỗ trợ này với tổng số tiền 870 tỷ đồng. Song, trong số bảy DN này, mới chỉ có ba DN trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ và Bắc Ninh được giải ngân với số tiền 56,8 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung cả số tiền giải ngân từ phía khách hàng cá nhân và DN gộp lại cũng mới chỉ ở mức gần 270 tỷ đồng, chưa tới 1% tổng số tiền của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, hiện tại các dự án đăng ký xây dựng nhà ở xã hội và nhà thương mại diện tích nhỏ, giá thấp có thể bàn giao nhà sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2014 mới hoàn thành.

Đây chính là điểm vướng mắc lớn nhất trong thủ tục vay vốn mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp. Bởi hiện tại các cơ quan công chứng không đồng ý công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai là căn nhà hình thành tư vốn vay.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến gói 30 nghìn tỷ có tiến độ giải ngân chậm là do quy định bắt người có thu nhập thấp muốn vay tiền phải chứng minh khả năng trả nợ tại các ngân hàng thương mại. Nhiều người cho rằng quy định này đang có biểu hiện thiếu khả thi. Đã là người có thu nhập thấp thì khó có thể chứng minh được thu nhập của mình có khả năng để ra một phần thu nhập cho nhà ở. Tất nhiên, việc đòi hỏi của các ngân hàng thương mại là chính đáng vì không thể để khoản tín dụng này lại rơi vào nợ xấu.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, việc tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội cần được ưu tiên. Chỉ khi nguồn cung này dồi dào với giá cả hợp lý thì người thu nhập thấp mới có cơ hội lựa chọn, từ đó mạnh dạn vay vốn.

Cùng chung quan điểm này, TS Vũ Ðình Ánh cho rằng, đẩy mạnh triển khai xây dựng nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang phục vụ những người thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở chính đáng, nhu cầu được sở hữu nhà, nhưng chưa thể mua nhà vì chưa đủ tiền tích lũy và có cơ chế để họ có thể vay vốn và có thể trả được cả gốc và lãi.

Vũ Anh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.