CafeLand - Không ít khách hàng đã“vỡ mộng” khi được bàn giao nhà do sản phẩm không đúng như nhà mẫu và cam kết ban đầu từ chủ đầu tư. Đây chính là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay, mà doanh nghiệp chính là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại nặng nề về uy tín và tiền bạc.

Nhầm lẫn từ “bánh vẽ” quảng cáo, nhà mẫu

Những vấn đề nghiêm trọng như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chây ì bàn giao quỹ bảo trì, phí dịch vụ cao, hay căn hộ bị thấm dột… đã là những chuyện “xưa nay không hiếm” trong câu chuyện tranh chấp chung cư hiện nay.

Tuy nhiên, khi nhu cầu khách hàng ngày một khắt khe, chỉ cần sản phẩm bàn giao có một chi tiết khác hoặc thiếu so với bản vẽ, quảng cáo ban đầu cũng dễ dàng thổi bùng mâu thuẫn, tranh chấp.

Mới đây, khách hàng tại một dự án căn hộ trên phố Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã rất bức xúc khi phát hiện toà nhà được sơn màu trắng thay vì màu vàng như bản vẽ phối cảnh.

Mặc dù ngay sau đó, chủ đầu tư có giải thích việc thay đổi màu sơn mặt ngoài nhằm phù hợp với xu thế và thị hiếu chung, màu sơn mới giúp làm tăng sự sang trọng và trang nhã. Nhưng cơn bức xúc của khách hàng đã khiến chủ đầu tư này gặp không ít phiền toái.

Hay như dự án Mon City (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) của Công ty cổ phần địa ốc Hải Đăng (Công ty con của HD Mon Holdings), khi quảng cáo để bán hàng, chủ đầu tư cam kết dự án có đầy đủ tiện ích bể bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên khi nhận nhà, khách hàng cảm thấy như bị lừa khi bể bơi không có, phòng sinh hoạt cộng đồng thì sau một thời gian phản đối, chủ đầu tư mới bố trí ở sảnh một hành lang vì trong dự án không còn có diện tích nào để xây dựng các tiện ích trên.

Dự án Mon City của Địa ốc Hải Đăng từng khiến cư dân bức xúc vì thiếu tiện ích, hụt diện tích.

Một trong những trường hợp điển hình nhất liên quan đến việc “quảng cáo một đàng, bán nhà một nẻo” phải kể đến cuộc phản đối của hàng trăm cư dân tại dự án D’Capitale (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư vào tháng 9/2018.

Sau khi được “tận mục sở thị” căn hộ thực tế, hầu hết khách hàng đã vô cùng bức xúc vì hành lang quá hẹp, chỉ khoảng hơn 1m4, không có điều hòa, trần nhà quá thấp, bí và nóng, thang máy không đảm bảo phục vụ cư dân, thang bộ thoát hiểm rất nhỏ, chỉ hơn 1m2.

Theo phản ánh của cư dân dự án này, họ cảm giác như bị lừa và quá sốc bởi căn hộ thực tế khác xa so với quảng cáo của chủ đầu tư và môi giới trước đó về một căn hộ “chuẩn 5 sao”, giá “trên trời”. Theo đó, để sở hữu căn hộ tại đây, khách hàng đã phải bỏ ra số tiền “khủng” (trung bình 60 triệu đồng/m2), mỗi căn hộ có giá không dưới 3 tỉ đồng.

Để xoa dịu bức xúc của khách hàng, chủ đầu tư đã phải chấp nhận chi thêm hàng chục tỉ đồng lắp đặt điều hoà cho hành lang và đầu tư hệ thống cảnh quan.

Đầu năm 2018, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Ecolife Capitol (58 Tố Hữu, Hà Đông) do Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư khi gửi đơn phản ánh đến báo chí đã tỏ rõ sự thất vọng về cuộc sống được hứa hẹn “tiện nghi, đẳng cấp, hoà mình vào thiên nhiên” tại đây.

Theo đó, các cư dân phản ánh rằng khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, khách hàng được giới thiệu là khu chung cư cao cấp với hơn 64 tiện ích đồng bộ, phục vụ nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, bàn giao từ tháng 5-2017 thì rất nhiều tiện ích bị thiếu và không có, chẳng hạnnhư bể bơi bốn mùa.

Ngoài ra, cư dân cho biết, các sản phẩm, thiết bị trong căn hộ được nêu trong hợp đồng cũng bị chủ đầu tư thay bằng các thiết bị rẻ tiền hơn, bồn tắm nằm thành vách tắm kính…

Ngoài chất lượng dịch vụ, tiện ích không tương xứng, cư dân tại đây còn phản ánh chủ đầu tư bàn giao hàng trăm căn hộ thiếu diện tích. Trước sự phản đối kịch liệt của cư dân, chủ đầu tư đã phải đo lại và hoàn tiền mỗi căn trung bình thiếu khoảng 1,7m2 và tiền vật liệu thay thế.

Mặc dù theo đại diện chủ đầu tư, những bất cập mà cư dân phản ánh “đã được giải quyết ổn thoả” nhưng chắc hẳn đây là “ấn tượng” xấu khiến khách hàng phải đánh giá lại một dự án được cho là cao cấp.

Trao đổi với CafeLand, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng chính sự quá đà, vô trách nhiệm trong việc gọi tên và quảng cáo sản phẩm khiến các khách hàng bị nhầm lẫn là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay. “Bên cạnh đó, việc tự phong cao cấp để bán giá cao hơn chất lượng đó là lừa dối khách hàng”, ông Đực nói.

Thiệt hại lớn thuộc về chủ đầu tư

Đến nay, khủng hoảng tại dự án Mon City tạm thời đã lắng lại. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt là uy tín của chủ đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi từ dự án này, nhiều khách hàng đã liên tưởng và bày tỏ sự e ngại khi tham quan nhà mẫu tại dự án The Zei Mỹ Đình (giai đoạn 2 Mon City).

Theo giới thiệu của môi giới, dự án được định vị ở phân khúc cao cấp, thiết kế theo phong cách “thành phố thẳng đứng”. Mỗi căn hộ tại đây có giá thấp nhất từ 3,5 tỉ đồng, cao nhất từ 5 – 10 tỉ đồng.

Việc quảng cáo quá đà là ngòi nổ cho quả bom tranh chấp chung cư mà thiệt hại lớn thuộc về doanh nghiệp.

“Liệu kịch bản có lặp lại khi dự án The Zei và Mon City cùng được một chủ đầu tư thực hiện? Nhà mẫu đẹp long lanh với đầy đủ tiện ích, trang thiết bị hiện đại, nhưng sản phẩm bàn giao có được như thế? Dự án trước bị hụt diện tích, thiếu tiện ích, có gì đảm bảo điều này sẽ không diễn ra tại The Zei?”, chị Thắm (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn.

Ông Nguyễn H., giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, chia sẻ khủng hoảng tại một dự án có thể dễ dàng được xử lý, nhưng dư âm từ khủng hoảng mới là điều đáng lo ngại. Thiệt hại trước mắt là hàng chục tỉ đồng để khắc phục, nhưng nghiêm trọng hơn là thiệt hại về uy tín. Khi “hồ sơ doanh nghiệp” có “vết đen”, chắc chắn các dự án sau này của chủ đầu tư đó sẽ được khách hàng cân nhắc rất kỹ.

Ông Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết đúng là trên thị trường bất động sản hiện nay đã xuất hiện tình trạng loạn danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang".

Bên cạnh các chuẩn mực cao cấp, hạng sang và siêu sang do chủ đầu tư tự phong, các tên gọi mỹ miều bằng tiếng nước ngoài như căn hộ thuộc phân khúc luxury (hạng sang), high-end, premier (cao cấp), royal (hoàng gia)... đang được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm.

Theo ông Thịnh, trên thực tế, tại nhiều dự án chung cư được quảng cáo cao cấp ngay trước ngày bàn giao căn hộ đã xảy ra những tranh chấp khi khách hàng “tố” việc bán hàng không như quảng cáo. Có dự án gặp cảnh hàng trăm khách hàng tập trung trong nhiều ngày căng băng rôn để phản đối việc chủ đầu tư quảng cáo một đằng, bán nhà một nẻo.

“Qua khảo sát, có khoảng 10 hạng mục, sản phẩm cư dân cho rằng không đúng với cam kết, giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, từ bồn vệ sinh, dây cáp điện, ống nước, gạch đến khung cửa sổ, sàn gỗ… đều được thay thế bằng những sản phẩm kém chất lượng so với nhà mẫu”, ông Thịnh cho biết.

Vị này khuyến cáo những người có nhu cầu về bất động sản đừng dựa vào các thông tin do các loại “cò” có tổ chức gọi là công ty bất động sản cung cấp mà hãy dựa vào nhu cầu của chính mình để tự tìm hiểu, thí dụ mua để ở hay để đầu tư.

Người có nhu cầu hãy dựa vào các tiêu chí như uy tín chủ đầu tư, tiến độ xây dựng, vận hành quản lý, hệ thống PCCC, thang máy, môi trường, sàn gỗ, gạch ốp, tường, trần, cửa, bếp, thiết bị điện, logia… để đưa ra nhận định về dự án.

  • The Zei Mỹ Đình có thoát khỏi dư âm từ "dớp" cũ?

    The Zei Mỹ Đình có thoát khỏi dư âm từ "dớp" cũ?

    CafeLand - Sự kiện mở bán dự án The Zei Mỹ Đình (giai đoạn 2 dự án Mon City) vào giữa tháng 5/2019 thu hút sự quan tâm của nhiều người mua và giới đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, những tai tiếng do dự án cùng chủ đầu tư - Mon City để lại khiến nhiều khách hàng vẫn còn những băn khoăn về tiến độ và chất lượng căn hộ tại dự án mới này.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.