Các nhà đầu tư trái phiếu rác (là loại trái phiếu có lợi suất cao và đi kèm với rủi ro lớn) thuộc lĩnh vực bất động sản ở châu Á đang phải gồng mình khi lợi suất giảm. Vốn hóa thị trường của các trái phiếu này đã giảm từ hơn 35% xuống còn khoảng 15% ở một số quỹ, khi khủng hoảng nợ bất động sản ở Trung Quốc làm giảm giá trái phiếu bất động sản nói chung.
Thị phần của trái phiếu bất động sản Trung Quốc trong hoạt động tín dụng của châu Á đã giảm đáng kể, với tổng nguồn cung sụt gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ những nhà phát triển có tiếng tăm tốt mới có thể tái cấp vốn.
Thị trường trái phiếu lợi suất cao tại châu Á được dư báo sẽ thay đổi vĩnh viễn với ít ảnh hưởng hơn từ Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp và công cụ thu hút vốn có chất lượng cao hơn từ Ấn Độ, Đông Nam Á, Úc và các khu vực Bắc Á sẽ tăng lượng phát hành.
Tháng 12 năm ngoái, nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới China Evergrande đã vỡ nợ, tạo ra cuộc khủng hoảng dây chuyền trong toàn ngành bất động sản Trung Quốc. Tiếp đó, nhiều nhà phát triển lớn không thể thanh toán lợi suất trái phiếu đúng hạn hoặc vỡ nợ hoàn toàn.
Trong bối cảnh này, các nhà quản lý quỹ phải chuyển hướng sang các loại trái phiếu khác để bù lỗ và lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc để lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự thay thế này khó có thể mang lại lợi suất tốt như trước cho nhà đầu tư.
Elisabeth Colleran, Giám đốc danh mục đầu tư nợ các thị trường mới nổi thuộc công ty Loomis Sayles, cho biết: “Việc chuyển sang các lĩnh vực và quốc gia khác [tránh xa ngành bất động sản có lợi suất rất cao ở Trung Quốc] chắc chắn sẽ làm giảm lợi suất tương đối của các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các nhà quản lý quỹ cần cân nhắc về lợi nhuận thực tế so với khoản lỗ phải gánh chịu nếu các doanh nghiệp phát hành vỡ nợ”.
Trước đây, các quỹ có tỷ trọng trái phiếu bất động sản Trung Quốc thường đạt hiệu suất tốt hơn so với các quỹ khác. Nhưng tình hình hiện tại đã thay đổi, ít nhất là trong ngắn hạn do thanh khoản và danh tiếng của ngành này đều bị tổn hại.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực trong năm 2021 khi Bắc Kinh kìm hãm sự phụ thuộc quá nhiều của các nhà phát triển vào vay nợ và giá nhà đất tăng vọt.
Lấp đầy khoảng trống
Các nhà quản lý quỹ đang chuyển hướng sang các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và kim loại ở Ấn Độ, theo công ty nghiên cứu Morningstar. Một số quỹ khác cũng đang nhìn thấy tiềm năng tăng giá bất động sản ở Indonesia nhờ tỷ lệ thế chấp thấp, các biện pháp kích thích kinh tế kéo dài của chính phủ để hỗ trợ sự phục hồi sau Covid, nhu cầu nhà ở và lạm phát không vượt quá tầm kiểm soát.
Theo một báo cáo gần đây của cơ quan xếp hạng Moody’s, các danh mục đầu tư có lợi suất cao ở Đông Nam Á có thể ít rủi ro hơn cho các nhà đầu tư, vì chúng có chất lượng tín dụng “tương đối ổn định” và rủi ro vỡ nợ thấp hơn.
“Các nhà quản lý quỹ sẽ phải dựa vào chiến lược đầu tư từ dưới lên (tập trung vào phân tích các cổ phiểu riêng lẻ thay vì các yếu tố kinh tế vĩ mô) nhiều hơn so với trước đây để chiến thắng trong thị trường hiện tại”, Morningstar cho biết. Công ty này đồng thời lưu ý rằng việc lấn sân sang các lĩnh vực khác là một sự phát triển “lành mạnh” vì nó giúp đa dạng hóa danh mục của các nhà đầu tư.
Con đường phía trước
Cuộc khủng hoảng nợ bất động sản tại Trung Quốc đã khiến lòng tin của nhà đầu tư vào khả năng trả nợ của các nhà phát triển giảm mạnh sau hàng loạt các đợt hạ bậc xếp hạng.
Theo một báo cáo công bố vào tháng 6 của Moody’s, các công ty bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút nguồn tài chính từ nước ngoài. Điều này đẩy rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn lên mức cao.
Annalisa Dichiara, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody’s, cho biết: “Thị trường trái phiếu đô la Mỹ phần lớn vẫn đóng cửa đối với các công ty châu Á [cung cấp trái phiếu lợi suất cao], làm dấy lên lo ngại về khả năng tái cấp vốn sắp tới”.
Moody’s dự kiến sẽ có nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trong năm nay - một nửa trong số 50 cái tên này đang bị Moody’s xem xét hạ cấp hoặc xếp hạng triển vọng tiêu cực.
Dữ liệu được công bố trước đó vào tháng 6 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc lại cho thấy thị trường bất động sản tại đây vẫn đang phục hồi. Theo đó, đầu tư bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp tăng trưởng tổng thể trong dóng vốn đổ vào các tài sản cố định.
Theo phân tích dữ liệu chính thức của Goldman Sachs, giá bất động sản tại 70 thành phố của Trung Quốc vẫn không có nhiều biến động trong tháng 5, chỉ tăng 0,1% so với một năm trước.
-
Trung Quốc: Thị trường nhà đất suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt phong tỏa do Covid-19
Trong khi sự chú ý của toàn cầu đang dồn vào các tác động kinh tế do việc Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và Bắc Kinh để phòng dịch Covid-19, thì sự suy giảm của thị trường nhà ở tại quốc gia này có thể còn đang gây ra nhiều tác động sâu sắc hơn.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.