800 căn hộ cho thuê - thuê mua tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên) vừa được khánh thành chỉ như muối bỏ biển, bởi nhu cầu thuê nhà ở rất lớn, trong khi phân khúc này gần như bị bỏ trống suốt thời gian qua.

Thị trường nhà ở cho thuê: Đỏ mắt tìm nguồn cung

Khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê là một trong những biện pháp nhằm giải quyết nhu cầu của xã hội về nhà ở. Ảnh: Trung Kiên


Cầu nhiều - cung ít

Mặc dù đã đi làm hơn 10 năm, thu nhập thuộc loại khá, song vợ chồng chị T.H vẫn chưa đủ tích lũy để mua nhà ở. Hằng tháng, gia đình chị phải trả khoảng 4,5 triệu đồng tiền thuê một căn hộ tập thể cũ, diện tích chừng 40m2. Chị nói, vài năm trước căn hộ như thế này chỉ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Cùng với đà tăng giá, hiện tiền thuê nhà đã tăng và có lẽ sẽ còn tăng khi đến ngày hết hạn hợp đồng. Chủ nhà cũng chẳng dại gì ký hợp đồng dài hạn, hoặc nếu có ký hợp đồng dài hạn thì đưa vào điều khoản xem xét điều chỉnh giá cho thuê 3 tháng/lần. Cũng theo chị T.H, tìm được một căn hộ tập thể ưng ý để thuê ở rất khó, vì nhu cầu nhiều mà nguồn cung ít. Chỉ cần thông tin được đăng buổi sáng, đến trưa đã có khách đặt cọc, nên dù giá có tăng người thuê vẫn phải chấp nhận.


Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, hiện Nhà nước chưa có chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê nên chưa có quỹ nhà này. Kết quả tổng điều tra nhà ở toàn quốc cho thấy, loại hình nhà thuộc sở hữu riêng chiếm 92,8%; nhà ở cho thuê chỉ chiếm 6,5%; các hình thức khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ nhà cho thuê cũng chỉ chiếm 14,5%. Thực tế, những người có nhu cầu thuê nhà ở thường là gia đình trẻ, mới đi làm, chưa đủ tích lũy tạo lập chỗ ở. Tuy nhiên, trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở cho thuê hầu như không có dự án quy mô lớn hướng tới nhu cầu số đông, mà chủ yếu là những căn hộ cao cấp nhằm tới đối tượng là người nước ngoài, với mức giá cho thuê được tính bằng USD. Đối tượng bình dân, người làm công ăn lương chủ yếu thuê căn hộ tư nhân mà chủ nhân của nó không có nhu cầu sử dụng. Giá cho thuê loại nhà này thường xuyên biến động mạnh và ở mức cao.


Đa dạng hóa loại hình nhà ở


Từ sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở, các chính sách mới chỉ tập trung vào việc khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để tăng nguồn cung cho thị trường mà chưa quan tâm nhiều đến các cơ chế ưu đãi nhằm phát triển nhà ở giá rẻ cho người nghèo, người có thu nhập thấp, nhất là nhà ở cho thuê - thuê mua tại khu vực đô thị nên có một bộ phận lớn người dân gặp khó khăn về nhà ở nhưng không có điều kiện về tài chính để tạo lập chỗ ở. Việc Hà Nội dùng vốn ngân sách đầu tư xây dựng 800 căn hộ cho thuê - thuê mua tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên) chỉ như muối bỏ biển. Thậm chí, các chương trình xây dựng nhà ở xã hội hướng tới đối tượng nghèo có khó khăn về nhà ở cũng gặp không ít khó khăn. Đến nay, nhiều địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch bố trí quỹ đất để chuẩn bị cho việc phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp, trong khi theo quy định, UBND cấp tỉnh phải rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng của địa phương. Nhà nước không đầu tư vốn ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, nhưng lại thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng trong nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (FDI), vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế (ODA)... Riêng công chức, viên chức, chỉ một số ít được ở nhà công vụ hoặc được cấp đất làm nhà ở; còn phần đông phải tự lo nhà ở cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tiền nhà ở trong tiền lương chưa được tính đúng, tính đủ và quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường (tỷ lệ tiền nhà chiếm 7,5% tiền lương).


Giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho thuê, Bộ Xây dựng đề xuất có quy định bắt buộc tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng tại khu vực đô thị lên 15% (hiện tại là 4%) vào năm 2020. Từ đó, tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê trong quỹ nhà ở đô thị, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp với điều kiện của đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cụ thể, đến năm 2020, nâng tỷ lệ nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị trên cả nước đạt 20-25% (hiện là 14%); tại Hà Nội tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 20-25% (hiện là 14%); tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 25-30% (hiện là 19%); tại các đô thị loại I tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 15-20% (hiện là 4-6%); tại các đô thị khác tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều loại hình nhà ở (về giá thành, quy mô diện tích...) để đáp ứng nhu cầu đa dạng về chỗ ở với nhiều điều kiện và cơ cấu hộ gia đình khác nhau, nhất là các hộ thu nhập thấp, độc thân chiếm 10-15% tổng diện tích nhà ở phát triển hằng năm.
Theo Y Linh (Hà Nội Mới Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0