07/08/2011 3:08 AM
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện chưa đến mức phải giải cứu thị trường bất động sản

Tham dự hội thảo “Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản (BĐS) hướng tới an sinh” do Hiệp hội BĐS TPHCM tổ chức sáng 6-8, hầu hết các đại biểu đều nhận định thị trường nhà đất hiện rất khó lường.

Nguy cơ phá sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, than thở trước những con số làm ăn quá bết bát của các doanh nghiệp thành viên tham gia hiệp hội.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 5 dự án được thi công, các doanh nghiệp cung ứng hơn 1.000 căn hộ… Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay. Trong lúc đó, doanh nghiệp đang đối diện với hàng loạt khó khăn như giá đầu vào tăng, chi phí vốn tăng, không tiếp cận được nguồn vốn (có trường hợp doanh nghiệp phải vay nóng đến 9%/tháng), bán không được hàng khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Theo dự báo và diễn tiến thực tế của nền kinh tế thì 6 tháng cuối năm, thị trường BĐS hứa hẹn nhiều khó khăn hơn và nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.

Thị trường nhà đất khó lường

Nhiều dự án có thể tạm ngưng xây dựng do doanh nghiệp thiếu vốn. Ảnh: Tấn Thạnh

Để giải bài toán này, ông Châu cho rằng Chính phủ cần “bơm” vốn ra thị trường theo một lộ trình có kiểm soát. Việc cấp tín dụng cần xem xét ưu tiên cho những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, cho chương trình nhà ở thiết thực với người dân như nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho thuê, nhà ở xã hội… Còn lãi suất cần được kéo giảm xuống còn từ 15% đến 16%/năm và tiến tới ổn định ở mức 12%/năm…

Khó trông chờ giảm giá

Dù thị trường BĐS đang “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó nhưng việc người dân trông chờ thị trường giảm giá mạnh vẫn sẽ rất khó. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, do nguồn cung lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay nằm trong tay Nhà nước nhưng nó lại tùy thuộc vào quy hoạch, khả năng “chạy” dự án của các chủ đầu tư nên cho dù khó khăn, các chủ đầu tư cũng phải cố chạy, từ đó kéo giá BĐS tăng lên, dẫn đến muốn hạ giá bán cũng không phải dễ dàng. Theo dự đoán của ông Nghĩa, trong thời gian tới, nếu những vướng mắc về các cơ chế, chính sách thuế… không được tháo gỡ thì giá BĐS sẽ còn tăng.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng BĐS gặp khó không thể chỉ đổ lỗi cho ngân hàng mà phần lớn là do chính bản thân của doanh nghiệp, bởi họ đã “tay không bắt giặc” quá nhiều và để tiếp diễn điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế. Theo ông Ánh, các doanh nghiệp yếu, bị loại khỏi cuộc chơi cũng là điều bình thường, bởi cái gốc của nền kinh tế là sử dụng nguồn lực có hạn có hiệu quả, chứ không phải “nuôi những con heo ăn nhiều mà lớn chậm” được.

Chết vì “bẫy” ngoại

Sự khó khăn về tài chính đang khiến cho nhiều doanh nghiệp nhà đất như người chết đuối sẵn sàng bám vào tất cả những gì được xem là phao cứu sinh. Tuy nhiên, nhiều cuộc “hôn nhân” vội vã của doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài đã trở thành những chén đắng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã dính “bẫy” ngoại và đành bán doanh nghiệp, dự án của mình với những giá rẻ không tưởng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết có nhiều doanh nghiệp trong nước đã bán cho ông chủ ngoại đến 70% giá trị. Có doanh nghiệp Thái Lan tuyên bố rằng đến cuối năm 2012, cứ vào Việt Nam mà “lượm” các doanh nghiệp đang chết dần…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, BĐS là đầu ra của các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động. Nói như vậy để thấy rằng BĐS là một ngành quan trọng nhưng hiện nay chưa đến mức phải giải cứu thị trường BĐS bởi xã hội còn có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm giải quyết hơn.
Không những thế, khủng hoảng còn là dịp tốt đối với những doanh nghiệp xem khó khăn là cơ hội vì khó khăn thì ai cũng khó. Tự thị trường sẽ loại những doanh nghiệp làm ăn không bài bản, không có vốn và không nghiêm túc trong kinh doanh… Do vậy, doanh nghiệp phải tự cứu mình thay vì trông chờ vào Nhà nước.

Không thể cứ nhìn vào ngân hàng

Bộ Xây dựng đang soạn thảo lại Luật Kinh doanh BĐS theo hướng siết chặt hơn. Theo đó, doanh nghiệp có vốn mạnh, điều kiện tài chính tốt, làm ăn bài bản mới được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực BĐS. Theo Bộ Xây dựng, hiện tiền trong dân còn khoảng 40 tỉ USD, do vậy doanh nghiệp phải nghĩ cách để huy động số tiền này vào triển khai dự án, không thể cứ nhìn vào ngân hàng.

T.Nguyễn
Theo Sơn Nhung – Tường Nguyên (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.