Thị trường bất động sản quý 3 chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn
Báo cáo thị trường bất động sản mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận, lượng giao dịch đã có sự cải thiện qua từng quý. Riêng quý 3 ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý 2, hơn 2 lần so với quý 1. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo VARS, cầu mua nhà đã có tín hiệu khả quan hơn nhờ kết quả của các cơ chế chính sách đang thẩm thấu dần cùng với mức lãi suất được điều chỉnh giảm.
Nhu cầu thuê nhà, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội vẫn ghi nhận ở mức cao. Cầu đầu tư tiếp tục được duy trì tại các địa phương được đẩy mạnh về phát triển hạ tầng, giao thông.
Tuy nhiên, cũng theo VARS, thị trường bất động sản quý 3 cũng chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các “dự án ma”.
Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư tay ngang, thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản. Đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.
Ngoài ra, thị trường còn có tình trạng, ngoài các dự án “đứng hình” do khó khăn trong việc xác định tiền sử dụng đất, các dự án đã trúng thầu tại nhiều địa phương cũng đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” do trúng thầu với giá cao. Chủ đầu tư đối mặt với kịch bản “không làm cũng chết mà làm cũng chết”. Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, sẽ gây ra các “tổn thương mới” trên cơ sở “vết thương cũ” chưa lành hẳn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, trải qua giai đoạn gần như đứng im, không có hoạt động, thị trường đã bắt đầu rục rịch trở lại, ghi nhận khoảng 3.000 giao dịch thành công ở thị trường sơ cấp. Sang quý 2, dấu hiệu tốt lên của thị trường bắt đầu rõ hơn, với 4.000 sản phẩm từ thị trường sơ cấp giao dịch thành công. Quý 3, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan sát cho thấy, các môi giới bất động sản đã quay lại theo dõi thị trường. Gần 6.000 giao dịch thành công, gấp đôi so với quý 1.
Tuy nhiên, theo ông Đính, các số liệu cho thấy thị trường vẫn chưa thực sự phục hồi so với giai đoạn trước đây. Trong giai đoạn này, các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp còn trụ lại được với nghề đang đối diện với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Thực tế này đòi hỏi môi giới phải không ngừng hoàn thiện kỹ năng, trình độ, thái độ để không lặp lại sự đổ vỡ trước đây của thị trường mà một phần có nguyên nhân đến từ chất lượng môi giới.
“Trong bối cảnh thông tin thị trường như các “ma trận”, tính cạnh tranh cao hơn, khách hàng khắt khe hơn, các môi giới càng phải cần thay đổi để chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt cần ứng dụng công cụ công nghệ trong quản trị các hoạt động hành nghề, quản trị dữ liệu thông tin, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tôi cho rằng đó sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra sự thành công của người làm nghề môi giới”, ông Đính cho hay.
Cũng theo Chủ tịch VARS, nâng tầm chất lượng đội ngũ môi giới là xu hướng tất yếu mà các nhà phân phối bất động sản đều phải hướng đến, giúp họ tạo được sự tin tưởng của thị trường, cộng đồng các chủ đầu tư.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thị trường bất động sản đang tồn tại thực trạng bất đối xứng thông tin giữa người mua và bán. Nhiệm vụ của môi giới là cung cấp thông tin một cách chính xác, chuẩn mực, để người mua và người bán có thể lựa chọn, ra quyết định. Thông tin đảm bảo chính xác, minh bạch chỉ có thể đến từ dữ liệu thực của thị trường - thông qua các nền tảng công nghệ.
-
Vụ bán “dự án ma” ở Đồng Nai: 80 khách hàng tố cáo, tiền giao dịch 100 tỷ đồng
Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi, ngụ TPHCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
-
“Giải vây” cho thị trường bất động sản
Nhiều kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, hướng đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn, giải vây cho thị trường bất động sản thời gian tới.
-
Thủ tục hành chính đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi thu hồi sổ hộ khẩu?
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1.1.2023 sẽ không còn sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai sau khi thu hồi sổ hộ khẩu là vấn đề được nhiều người quan tâm....
-
Bất động sản châu Á có thể là điểm sáng trên toàn cầu trong năm 2023
Theo công ty dữ liệu bất động sản Knight Frank, dù vẫn đối mặt với một số thách thức, song khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới trong năm 2023....