Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 vừa diễn ra, bà Hà Thu Giang, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, thông tin hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 1,24 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 30.000 tỷ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân, theo ông Tùng, do tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.
Ông Trần Long, phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, cũng cho hay đến nay tín dụng giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế khó khăn. Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu… đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn.
Ông Long mong Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần kéo dài thời hạn áp dụng thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì đến giữa năm.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, nguồn cầu của thị trường yếu, hấp thụ kém, nền kinh tế còn khó khăn. Vay để làm gì là câu chuyện lớn.
Ông Ánh cho hay, năm ngoái nói nhiều về tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nhưng năm nay vẫn khó khăn. Ông Ánh đề nghị NHNN phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2024 tình hình vẫn tiếp tục khó khăn. Dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm 2023.
Để tháo gỡ khó khăn cho năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2024.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về triển khai công việc như triển khai dự án lớn thì Ngân hàng Nhà nước phải có điều hành về tín dụng.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp có những khó khăn, ngân hàng phải tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, đầu năm ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì hội nghị này để đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế.
-
Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng tại TP.HCM là vào bất động sản
Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tăng 8,5% so với cuối năm 2023, đạt hơn 1,04 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
-
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,5%
Tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
-
Doanh nghiệp than “khó” nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt hơn 3,15 triệu tỷ đồng
Trả lời trước Quốc hội chiều nay (28/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải thích nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh lãi suất cho vay cao, khó tiếp cận vốn....