CafeLand - Thị trường bất động sản Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ, đồng thời một bằng giá mới đã được thiết lập trong dài hạn, làm cơ sở cho những hoạt động kinh doanh, bán hàng trong tương lai của các doanh nghiệp.

Một bằng giá mới đã được thiết lập trong dài hạn. Ảnh minh hoạ

Nhận định này được Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam công bố tại báo cáo ngành bất động sản nhà ở mới đây, với dự báo thị trường bất động sản sẽ khởi đầu một chu kỳ mới trong năm 2021.

Bình quân m2 căn hộ/đầu người vẫn ở mức thấp

Mirae Asset cho biết, trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam luôn đi kèm với sự phát triển của thị trường bất động sản. Cụ thể, ở giai đoạn 2016 – 2019, GPD/đầu người tại Việt Nam tăng 23,8% (từ 2.192 USD lên 2.715 USD).

Trong khi đó, tổng lượng cung sản phẩm bất động sản tăng 39,3%, tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 11,7% trong cùng thời kỳ (chỉ tính riêng 2 thành phố Hà Nội và Tp.HCM). Xét về quy mô, thị trường TP.HCM lớn hơn với nhu cầu và dân số lớn, trong khi đó thị trường Hà Nội có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhờ lợi thế về các dự án hạ tầng.

Báo cáo của Mirae Asset cũng cho thấy, diện tích mét vuông sàn căn hộ trên đầu người (m2 sàn căn hộ/đầu người) ở các nước trong khu vực châu Á đều trong xu thế tăng dần đều trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với bình quân, đạt con số 19 m2 sàn căn hộ/đầu người vào cuối năm 2019. Nhìn chung các quốc gia phát triển có thu nhập cao sẽ có tỷ lệ m2 sàn căn hộ/đầu người cao hơn những nước đang phát triển.

Trong khu vực, ngoại trừ Singapore và Hong Kong do đặc thù về địa lý và kinh tế, nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đứng đầu về diện tích m2 sàn căn hộ/đầu người. Ngược lại, những nước có mật độ thấp như Thái Lan, Malaysia có diện tích m2 sàn căn hộ/đầu người thấp hơn.

So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở nhóm có diện tích m2 sàn căn hộ/đầu người thấp nhất (19 m2), nhưng mật độ dân số (đầu người/km2) cao hơn Thái Lan và Malaysia lần lượt 2,2 và 2,9 lần, vì thế dư địa cho tăng trưởng m2/đầu người vẫn còn nhiều. Ngoài ra diện tích nhà trung bình của người Việt chỉ ở mức trung bình so với các nước ASEAN, khoảng 72 m2, thấp hơn so với mức trung bình của khu vực là 76 m2.

Do đó, đơn vị này cho rằng nguồn cung nhà ở tại Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng trong khu vực.

Lãi suất rẻ được duy trì trong 2021

Mirae Asset cho hay, thời gian qua nhằm kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã liên tục cắt giảm các mức lãi suất điều hành. Điển hình như lãi suất tái cấp vốn đã giảm từ mức 6,25% xuống 6% vào tháng 9 năm 2019, xuống 5% vào tháng 3 năm 2020, xuống 4,5% trong tháng 5/2020, xuống 4% vào ngày 30/9/2020. Theo đó, các ngân hàng đã giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Theo báo cáo tài chính của 8 ngân hàng đầu ngành, Mirae Asset quan sát thấy lợi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với mức cuối năm 2019.

Với một ngành thâm dụng vốn lớn như bất động sản, đơn vị này kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp được duy trì trong 2021 sẽ đóng vai trò hỗ trợ lớn cho cả doanh nghiệp (giảm chi phí) và người mua nhà (giảm lãi vay), đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nên đứt gãy trong cả nguồn cung và nguồn cầu.

Thiết lập mặt bằng giá mới

Tại các quốc gia phát triển, người dân có đa dạng kênh tài sản đề đầu tư: trái phiếu, cổ phiếu, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, bất động sản. Trong đó, kênh bất động sản có thể được đầu tư qua hình thức sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức đầu tư và quản lý bất động sản chuyên nghiệp (REITs).

Tại Việt Nam, do đặc thù văn hóa của người dân và do chưa chính thức có các công ty đầu tư và quản lý bất động sản chuyên nghiệp, việc sở hữu trực tiếp bất động sản là phương thức đầu tư được ưu tiên hàng đầu đối với mọi tầng lớp người dân. Chính vì vậy, khi lựa chọn kênh đầu tư, tâm lý sở hữu một bất động sản hiện hữu trong đại đa số người đân.

Với vị thế là kênh đầu tư số một tại Việt Nam, tác động và sức lan tỏa của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế là rất lớn. Thực tế, chu kỳ ngành bất động sản ở Việt Nam thường ngắn hơn (từ 4-5 năm) so với các quốc gia trên thế giới, với chu kỳ gần nhất là giai đoạn 2014–2019.

Đặc biệt, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, Mirae Asset nhận thấy giá bán căn hộ sơ cấp tại hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM không có dấu hiệu suy giảm.

“Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ, đồng thời một bằng giá mới đã được thiết lập trong dài hạn, làm cơ sở cho những hoạt động kinh doanh, bán hàng trong tương lai của các doanh nghiệp”, Mirae Asset nhận định.

Tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) diễn ra chiều 26/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ rõ, trong 5 năm qua, có một nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc chỉ đang ở mốc 24m2 sàn/người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 25m2 sàn/người vào năm 2020.

Mặc dù phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng kết quả đạt được chưa đúng với kỳ vọng. Cụ thể, tổng diện tích thực hiện hơn 5,21 triệu m2 chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đạt 12,5 triệu m2.

Tính đến nay, riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 264 dự án có quy mô 219.000 căn hộ, tương đương gần 11 triệu m2 sàn.

Theo Thứ trưởng, một trong những bất cập trong phát triển nhà ở được dư luận phản ánh nhiều lần trong thời gian qua là tiến độ "ì ạch" của cải tạo chung cư cũ.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.