Khảo sát tại các sàn giao dịch hoặc trung tâm bất động sản mấy ngày
gần đây cho thấy, nhiều văn phòng vẫn đóng cửa, ngừng giao dịch, hoặc có
chăng là mở cửa... lấy ngày. Trưởng phòng kinh doanh Sàn Giao dịch Bất
động sản Nam Ðại Dương (Phố Nhổn, huyện Từ Liêm) Hà Trung Ðiệp, dự báo,
từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn còn khó khăn hơn so với năm 2011.
Ðại
diện Sàn Giao dịch Bất động sản Trường An, quận Hà Ðông nhận định, từ
nay đến hết quý II, phân khúc đất nền dự án có thể còn giảm giá thêm vài
nấc nữa. Tới đây, nhiều nhà đầu tư thứ cấp và nhiều chủ đầu tư bán
tháo căn hộ do áp lực về tài chính sẽ tạo một mặt bằng giá mới. Tuy vậy,
thị trường tiếp tục đón nhận sự quan tâm của khách hàng vào phân khúc
nhà ở trung cấp với mức giá từ 15 - 25 triệu đồng/m2. Còn loại cao cấp,
tiếp tục đóng băng.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, khủng hoảng
bất động sản thường kéo dài năm năm, rồi bắt đầu có lối ra. Ðiển hình
mới nhất là Mỹ, khủng hoảng bất động sản xảy ra từ năm 2007, nhưng đến
nay mới có dấu hiệu hồi phục dần sau khi giá nhà đất nhiều nơi đã xuống
từ 50% - 70%. Thị trường bất động sản nước ta được ghi nhận đóng băng từ
năm 2010 và "xuống" giá rõ nhất từ năm 2011 vì không có người mua và do
chính sách tín dụng thắt chặt, đã đưa lãi suất bất động sản lên đến hơn
20%. Tương đương với chỉ số giá bất động sản đã giảm trong hai năm qua,
trong đó phân khúc căn hộ cao cấp bị xuống giá mạnh nhất và có thể sẽ
xuống thêm nữa (nhất là đất nền) trong hai năm 2012 - 2013, trước khi có
thể chạm "đáy" với mức giá thực tế hơn.
Tuy vậy, vẫn có nhà đầu
tư chuyên nghiệp lạc quan trong hoàn cảnh này, khi cho rằng: "Bất cứ
thời điểm nào cũng có nhu cầu mua bán và phân khúc nào cũng có đối tượng
khách hàng riêng". Sự lạc quan này hoàn toàn có cơ sở khi một công ty
kinh doanh lĩnh vực này tại TP Hồ Chí Minh đầu tư 200 lô đất nền tại Ðức
Hòa, Long An, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, với mức giá 3,3
triệu đồng/m2 (mỗi nền khoảng 300 triệu đồng), chỉ ba, bốn tuần đã bán
hết.
Nhìn nhận theo chiều tích cực, khi giá nhà đất giảm là có lợi cho người có nhu cầu. Còn với tình trạng hiện nay, dù giá đất đã giảm, nhưng so với mặt bằng thu nhập chung vẫn còn quá cao, cùng với kinh tế thế giới chưa hết khó khăn, dự báo khủng hoảng vẫn kéo dài, nếu giá đất vẫn giảm chậm như vừa qua hoặc các biện pháp quản lý lại làm cản trở việc giảm giá thì tình trạng ngoắc ngoải của thị trường bất động sản sẽ càng dài thêm. Vì vậy, không nên cản trở việc giảm giá bất động sản bằng những công cụ hành chính áp đặt, nhất là về giá đất, để thị trường sớm đi vào cân bằng và sàng lọc để giảm được thiệt hại. Có lẽ, đây là mấu chốt vấn đề mà cơ quan quản lý và chủ đầu tư, giới đầu cơ cần đúc kết bài học kinh nghiệm trong lúc này, nếu muốn "tảng băng" bất động sản tan dần trước năm 2014.