28/10/2024 2:53 PM
Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu ý kiến về tình trạng giá bất động sản nhiễu loạn, tăng cao bất thường trong thời qua.

Khó định giá bất động sản

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản đặc biệt trước dịch Covid-19 có sự phát triển mạnh cả về số và chất lượng. Nhiều khu đô thị mới hình thành ở TP.HCM và Hà Nội, có nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp với lưu trú, các chung cư cao tầng mọc lên chiếm cả không gian từ cao cấp đến nhà ở bình dân, từ trung tâm đến ngoại thành, ngoại ô thành phố.

Tuy nhiên, thời điểm này đang có nhiều sự bức xúc về giá bất động sản. Có nhà đầu tư hét giá rất cao nhưng vẫn có người mua, nhu cầu ở thì không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ; Có người vừa mới mua đã sang tay chốt lời.

Thị trường bất động sản khó định giá- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng thị trường bất động sản ảo ảo khó mà định giá. Ảnh: Quốc hội

“Thị trường bất động sản “hư hư ảo ảo”, khó mà định giá, hôm nay giá này, ngày mai lại giá khác”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Điều bất cập nữa là nhà ở thương mại thường đến từ phân khúc trung cấp, cao cấp trở lên, nhà dành cho người thu nhập thấp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, có dự án xây dựng không có trong quy hoạch, xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng sai giấy phép…

Cũng có nhiều trường hợp đã bán cho khách hàng, cư dân nhưng đến nay vẫn chưa được cấp chủ quyền vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều chung cư xây dựng xong chưa thể bán được, hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí cho nguồn lực xã hội, nợ xấu của ngân hàng...

Giai đoạn sau Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn phải vay tín dụng. Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán bằng 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua.

“Chứng tỏ, nhà ở cao cấp thì nhu cầu ở của người dân là hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu ở cho người dân có thu nhập thấp là rất lớn nhưng lại không xây dựng để bán”, ông Hòa nói.

Tương tự, đại biểu Đoàn Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng chung góc nhìn, cho rằng giá bất động sản tăng cao bất hợp lý do hoạt động đầu tư, đầu cơ.

Trước đó, trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết giá bất động sản đang ở mức cao so với thu nhập của đa số người dân. Đây là một trong những tồn tại của thị trường hiện nay.

“Giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại Hà Nội và TP.HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân”, ông Thanh nhấn mạnh.

Đề xuất kê khai và kiểm tra giá nhà ở

Ông Hòa kiến nghị Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, có các chính sách hấp dẫn, thủ tục hành chính được nhanh gọn trong các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động; tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở hiện nay cũng giúp giảm giá bất động sản.

Đồng thời, bà Thủy kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất như trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) chỉ rõ hiện nay giá nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM đang lên quá cao, ví dụ như khu tái định cư cũ kỹ mà cũng đến 70 triệu đồng/m2.

Theo ông An, tình trạng này có phần là do các chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. Tuy nhiên rất khó xử lý vì nó là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, có đóng thuế, phí khi chuyển nhượng.

Để giải quyết tình trạng này, ông An đề xuất dùng nguồn cung nhà ở đủ lớn, cũng như tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển mạnh nhà ở xã hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên cùng với việc bình ổn giá nhà.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.