Tháng 7 âm lịch được coi là tháng "cô hồn" của giới kinh doanh bất động sản. Dù chưa chính thức bước vào tháng này, song các động thái từ việc mua bán sản phẩm giữa các sàn giao dịch với khách hàng, đến kế hoạch đưa dự án ra thị trường của các chủ đầu tư dường như bị chựng lại. Thông tin chung từ các nhân viên môi giới cho thấy: từ tháng 6 trở về trước, dù thị trường không sôi động, nhưng vẫn có khách hàng quan tâm tìm hiểu dự án, đồng thời ít nhiều có giao dịch thành công. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay hầu như vắng bóng khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Techcomreal cho biết, một số chủ đầu tư trước đó có kế hoạch bung dự án ra bán trong tháng 8 (tháng 7 âm lịch) nhưng đã hoãn lại. "Theo tôi, bản chất của việc ngưng đưa dự án ra bán là vì thị trường gặp nhiều khó khăn. Còn lý do tháng 'cô hồn' có thể chỉ là cái cớ để các chủ đầu tư hoãn đưa dự án ra bán, chờ thời điểm tốt hơn ", ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng giám đốc CTCP An Cư Lạc Nghiệp cho hay, Công ty đang chuẩn bị mở bán một dự án, song lúc này chủ yếu đưa khách hàng đi tham quan dự án, sau tháng 7 âm lịch mới chính thức công bố giá và mở bán.
Kỳ vọng sau tháng 8
Trao
đổi với ĐTCK, không một lãnh đạo doanh nghiệp nào không than thở về
tình hình khó khăn hiện nay. Khó khăn lớn nhất vẫn là tín dụng dành cho
bất động sản. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh
Sài Gòn cho biết, Công ty đang có kế hoạch phân phối một dự án căn hộ
dành cho đối tượng thu nhập trung bình thấp thực sự có nhu cầu về nhà ở.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua dự án với
các ngân hàng, không một ngân nào đồng ý.
"Các
ngân hàng chỉ cần nghe nói cho vay bất động sản là họ lắc đầu, không
cần biết là vay tiêu dùng hay vay đầu tư", ông Thanh ngán ngẩm và cho
rằng, nếu tình trạng này kéo dài, thị trường sẽ thực sự bị đóng băng và
không ít doanh nghiệp bất động sản có thể phải đóng cửa. Ông Nguyễn Văn
Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Hiệp hội chưa nhận được thông tin về một doanh nghiệp nào bị phá sản. Tuy nhiên, theo ông Minh, nếu tình hình tín dụng không có sự cải thiện theo hướng mở cho các doanh nghiệp thì chưa biết điều gì sẽ diễn ra.
Còn theo ông Trương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cần phân loại bất động sản để xác định loại nào cho vay, loại nào không cho vay. Chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là lĩnh vực liên qua khá nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm rất lớn thì không thể gọi là phi sản xuất và không cho vay.
Theo
bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Hưng Gia Việt, cần hỗ
trợ cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự được vay vốn để mua nhà
thông qua hình thức bảo lãnh của ba bên là chủ đầu tư, các sàn giao dịch
bất động sản và ngân hàng. Bởi lẽ, thực tế người có nhu cầu nhà ở tại
TP. HCM là rất lớn, nhưng không có sự hỗ trợ từ các ngân hàng, họ không
thể có đủ khả năng để mua nhà. Nếu vấn đề này được giải quyết, không
những người có nhu cầu nhà ở được an cư, mà các doanh nghiệp cũng sẽ
vượt qua được khó khăn, vì phần lớn dự án căn hộ ở TP. HCM hiện nay là
dự án nhắm đến đến tượng có thu nhập trung bình và giá sản phẩm đã giảm
xuống mức thấp.
Cũng
theo bà Hương, tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa qua có sự
tham dự của đại diện Chính phủ, Bộ Xây dựng và nhiều cơ quan liên quan.
Vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản được Chính phủ, Bộ Xây dựng
rất quan tâm và kỳ vọng sau tháng 8 tới đây sẽ có sự thay đổi tích cực
cho thị trường. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho
rằng, tín dụng cho bất động sản vẫn phải có tăng trưởng. Trong đó, tín
dụng cho từng phân khúc bất động sản sẽ phải có điều chỉnh. Việc này đã
được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn đề nghị ngành xây dựng phải
đưa ra các tiêu chí lựa chọn từng phân khúc, dự án; phối kết hợp chặt
chẽ giữa hai cơ quan để tháo gỡ khó khăn.
Theo các doanh nghiệp, nếu nút thắt về tín dụng được tháo gỡ, kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn và doanh nghiệp bất động sản đỡ khó khăn hơn.