27/03/2025 1:15 PM
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa tổ chức mới đây, Công ty CP Điện lực Gelex - Gelex Electric (Mã: GEE) đặt mục tiêu tham gia sản xuất cáp ngầm cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam quy mô 67 tỷ USD.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD không chỉ là một trong những công trình hạ tầng lớn nhất mà Việt Nam đang hướng đến, mà còn là một cuộc đua quyết liệt giữa các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Theo chủ trương đầu tư, tuyến đường sắt này có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h. Toàn tuyến bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng gắn với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, hàng loạt tập đoàn lớn như Thaco, Hòa Phát, Đèo Cả… đã chủ động nghiên cứu, phát triển các thiết bị quan trọng phục vụ dự án này. Đơn cử, Hòa Phát nghiên cứu sản xuất ray tàu, trong khi Thaco và Đèo Cả mong muốn chế tạo toa tàu.

Thêm “một tên tuổi lớn” muốn tham gia vào cuộc đua làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD- Ảnh 1.

Thêm một doanh nghiệp muốn tham gia vào cuộc đua làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD

Mới đây, một “tên tuổi lớn” nữa đã bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án quan trọng này, gia tăng sức ép và sự cạnh tranh trong một lĩnh vực đầy tiềm năng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa tổ chức mới đây, lãnh đạo Công ty CP Điện lực Gelex - Gelex Electric (Mã: GEE) cũng đặt mục tiêu tham gia sản xuất cáp ngầm cho dự án đường sắt tốc độ cao.

Lãnh đạo Gelex Electric cho biết, chính sách của Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp sản phẩm và thiết bị cho dự án, trong đó có mảng dây cáp ngầm phục vụ đường sắt tốc độ cao.

Theo Gelex Electric, dây cáp ngầm cho dự án này chưa từng được sản xuất tại Việt Nam. Hiện, Công ty CP Dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi) đang làm việc với các đối tác và cơ quan chức năng để xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết, đồng thời tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất.

Doanh nghiệp này đánh giá đây là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ giúp công ty gia tăng nguồn thu từ các hợp đồng xây dựng và cung cấp thiết bị, mà còn còn góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tham gia vào một dự án có quy mô lớn như vậy cũng đặt ra không ít thách thức. Dự án đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính, công nghệ và nhân lực. Bên cạnh đó, các yếu tố về mặt pháp lý, quy định và tiến độ thực hiện cũng là những vấn đề cần được giải quyết.

Tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” vừa tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu đến 2030, Việt Nam có thể làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160km/h trở xuống và đường sắt đô thị.

Về thông tin tín hiệu, từ năm 2030 trở đi, bắt đầu sản xuất phần mềm và làm chủ thiết bị hệ thống điều khiển, hệ thống điện động lực, sản xuất đầu máy, toa xe trong nước.

Được biết, nhu cầu về sản phẩm công nghiệp đường sắt hiện nay tập trung ở 4 nhóm chính gồm: hạ tầng, đầu máy - toa xe, hệ thống tín hiệu và hệ thống điện sức kéo. Cụ thể:

Nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt: cần cung cấp vật tư đường sắt dự kiến khoảng 28,7 triệu mét ray thép; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt.

Nhóm đầu máy, toa xe theo khổ đường: nhóm đầu máy, đến năm 2030 cần 15 chiếc đầu máy khổ 1.000mm, 250 chiếc khổ 1.435mm; đến năm 2045 con số này lần lượt là 150 chiếc và 2.000 chiếc. Tương tự với toa xe, đến năm 2030, cần 26 chiếc khổ 1.000mm, 1.760 chiếc khổ 1.435mm. Đến năm 2045 con số này lần lượt là 160 chiếc và 10.144 chiếc.

Nhóm hệ thống thông tin, tín hiệu dùng cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa.

Nhóm hệ thống điện sức kéo: dự kiến đầu tư xây dựng mới 18 tuyến đường sắt điện khí; hệ thống cấp điện cho đường sắt quốc gia là nguồn điện xoay chiều 1 pha 25kV.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, học hỏi kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc… thì phát triển đường sắt không nhất thiết phải làm chủ toàn bộ. Do vậy, Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định năng lực của doanh nghiệp ra sao, mong muốn tham gia thị trường những sản phẩm nào, đã có quy hoạch, định hướng gì, từ đó có kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách đối với Nhà nước.

“Chúng ta lấy sân chơi này để làm, để cống hiến, để doanh nghiệp Việt làm chủ trên sân nhà và khi doanh nghiệp đã làm là phải có lợi nhuận. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải cung cấp sản phẩm giá cạnh tranh, không thể quá đắt so với sản phẩm nước ngoài", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.