26/03/2025 3:15 PM
Năm 2025, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng (6,6 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là doanh thu cao nhất từ trước tới nay của nhà sản xuất thép này.

Kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 với 11 nội dung cần được thông qua, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý như kế hoạch kinh doanh, phương án chi trả cổ tức.

Theo kế hoạch, ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Hòa Phát sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/4/2025 tại Hà Nội.

Năm 2025, nhà sản xuất thép này đặt mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với doanh thu thực hiện năm 2024. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2025 là 20%.

Đáng chú ý, tại cuộc họp lần này, HĐQT Hòa Phát dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ chi trả là 20%. Trong đó 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ thông qua.

Với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát dự kiến chi khoảng 3.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tham vọng 6,6 tỷ USD của ông chủ Hòa Phát với thép, bất động sản, trứng gà và container “made in VietNam”- Ảnh 1.

Hòa Phát lên kế hoạch doanh thu kỷ lục 170.000 tỷ đồng (6,6 tỷ USD)

Năm 2024 vừa qua, doanh nghiệp do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT ghi nhận 140.560 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77%.

Hòa Phát cho biết, trong năm 2024 đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30%. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%.

Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Nông nghiệp Hòa Phát có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó sản lượng trứng gà đạt 330 triệu quả.

Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 1.100 ha đất công nghiệp, và sẽ tập trung thu hút FDI, dự kiến phát triển thêm 3 khu công nghiệp trong thời gian tới, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ nguồn lợi nhuận năm 2024, HĐQT Hòa Phát đề xuất sẽ trích 600 tỷ đồng vào quỹ đầu tư phát triển; 250 tỷ đồng cho khen thưởng, phúc lợi; 220 tỷ đồng cho thù lao HĐQT và khen thưởng Ban điều hành. Phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 10.950 tỷ đồng.

Đưa vào vận hành dự án Dung Quất 2

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Hòa Phát là 224.490 tỷ đồng, tăng thêm 36.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng 30%, tương ứng với giá trị 67.400 tỷ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.

Chi phí xây dựng cơ bản tăng mạnh 146%, lên 63.700 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng thêm 12.000 tỷ đồng lên 46.500 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp này đầu tư mở rộng dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2.

Trong bối cảnh dồn lực giải ngân cho dự án Dung Quất 2, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của Hòa Phát đã giảm mạnh sau quý 4 vừa qua.

Tại thời điểm 31/12/2024, số dư tiền mặt còn khoảng 25.000 tỷ đồng, giảm khoảng 10.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay.

Tham vọng 6,6 tỷ USD của ông chủ Hòa Phát với thép, bất động sản, trứng gà và container “made in VietNam”- Ảnh 2.

Hòa Phát rót thêm vào dự án Dung Quất 2 38.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối năm 2024 lên 60.000 tỷ đồng. Nguồn HPG

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm hơn 25.000 tỷ đồng trong năm 2024, lên mức 109.842 tỷ đồng.

Tổng giá trị nợ vay là 83.00 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với cuối quý 3 và cao hơn hơn 18.000 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Trong đó, vay ngắn hạn là 55.882 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nợ vay và còn lại là 27.000 tỷ đồng vay dài hạn.

Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dư nợ vay tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2024 do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Dung Quất 2.

Cụ thể, nhà sản xuất thép này đã rót thêm vào dự án này gần 38.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối năm 2024 lên 60.100 tỷ đồng.

Đến hết năm 2024, Hòa Phát cùng các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị đối với lò cao đầu tiên và dây chuyền cán.

Phân kỳ 1 sẽ đi vào vận hành năm 2025. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Sản phẩm chính của dự án là thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu, gia công, kết cấu...

Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ được nâng lên hơn 14 triệu tấn/năm. Ngoài ra, quy mô doanh thu của tập đoàn sẽ tăng thêm 80.000 - 100.000 tỷ đồng mỗi năm so với hiện nay.

Bên cạnh đó, dự án thép tại Quảng Ngãi này sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.