Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được kỳ vọng sẽ hạn chế được tối đa tình trạng vi phạm xây dựng tại các quận, huyện, thị xã.
Chuyển đổi không làm “phình” biên chế
Đề án thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT) UBND thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ những hạn chế của mô hình Thanh tra xây dựng theo Nghị định 26/2013 của Chính phủ sau ba năm thực hiện tại Thủ đô. Thành phố Hà Nội cho rằng, việc tổ chức Thanh tra xây dựng không gắn với chính quyền quận, huyện, thị xã mà chuyển về Sở Xây dựng quản lý, trong khi Hà Nội là địa bàn rộng (30 quận, huyện, thị xã, với 584 xã, phường, thị trấn), và quá trình đô thị hoá diễn nhanh dẫn đến việc Thanh tra xây dựng không sâu sát được đến cơ sở. Chính quyền địa phương nới lỏng do không có tổ chức, nhân sự để triển khai. Có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng xảy ra với diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt.
UBND thành phố Hà Nội đề xuất cho thí điểm Đội Quản lý TTXDĐT quận, huyện, thị xã trên cơ sở tiếp nhận, bàn giao nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức, lao động hợp đồng và cơ sở vật chất hiện có của 30 Đội Thanh tra xây dựng, đảm bảo không phát sinh thêm biên chế đã được UBND thành phố phê duyệt nằm trong biên chế của quận, huyện, thị xã và biên chế của Thanh tra Sở. Cùng với đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Xây dựng. Xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, trách nhiệm giữa Sở Xây dựng và UBND cấp huyện, cấp xã trong lĩnh vực xây dựng.
Thay đổi sẽ hạn chế được vi phạm?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi các Đội Thanh tra xây dựng sang mô hình Đội Quản lý TTXDĐT sẽ không gặp khó khăn, vì trước đó, tháng 9/2016, các Đội Thanh tra xây dựng đã được tạm giao cho chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo và điều hành.
Mô hình mới sẽ cụ thể hoá hơn về trách nhiệm. Qua hơn 1 năm thực hiện tạm giao cho thấy, trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số công trình vi phạm giảm 22,9%, số công trình tồn đọng giảm 57%. Tuy nhiên, ở một số địa bàn vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, hoặc chậm xử lý các công trình vi phạm, mặc dù Sở Xây dựng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc như ở một số quận: Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng…
Cùng với những vi phạm cũ, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng “xã hội đen” lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà cấp 4 bán.
“Hiện nay, đất bãi sông Hồng thuộc địa bàn các phường Tứ Liên, Phú Thượng (quận Tây Hồ) và một số vị trí thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) có một số đối tượng xã hội đen lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà cấp 4 để bán. Về lâu dài, Sở Xây dựng phải bám sát để tham mưu thành phố chỉ đạo các quận xử lý nghiêm”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo. Việc thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXDĐT được kỳ vọng sẽ ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn quận, huyện, thị xã hiện nay.
Cũng tại hội nghị nêu trên, nói việc thí điểm thành lập Đội Quản lý TTXDĐT thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá, việc thay đổi sẽ giúp Hà Nội xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
“Nhiều trường hợp xây dựng sai phép, không phép, vượt tầng, siêu mỏng, siêu méo,… qua kiểm điểm đều có trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện. Việc điều chuyển đưa các Đội Quản lý TTXDĐT trực thuộc quận, huyện là giải pháp hợp lý”, ông Hùng phát biểu.