CafeLand - Trao đổi với CafeLand chiều 26/7, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã hé lộ những thông tin liên quan đến quá trình giao đất và đầu tư dự án tại khu đất vàng số 22 -24 Hàng Bài (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chi 1.000 tỉ đồng để thâu tóm khu đất 4.000m2

Khu đất rộng 4.000m2 này nằm cách Hồ Gươm chỉ một phút đi bộ, là mảnh đất quy mô lớn hiếm hoi còn lại ở trung tâm thủ đô mà Tân Hoàng Minh đã thâu tóm. Tại khu đất này, Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng dự án phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang D’.San Raffles quy mô 9 tầng nổi và 5 tầng hầm.

Trước đây, pháp nhân đứng tên làm dự án này là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T (doanh nghiệp được giới thiệu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Đại diện tập Tân Hoàng Minh cho biết, công ty này được giao đất từ năm 2011 để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Tại quyết định giao đất, dự án có chức năng là TTTM và nhà ở tái định cư tại chỗ.

Theo đại diện Tân Hoàng Minh, do việc GPMB phức tạp nên từ 2011 đến 2015 mới GPMB xong (ngày 27/3/2015 UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản xác nhận hoàn thành GPMB).

Năm 2013, Công ty cổ phầnThời đại mới T&T tiến hành khoan cọc thử thí nghiệm để lấy số liệu phục vụ công tác lập thiết kế kỹ thuật cho dự án, chứ chưa phải khởi công công trình (thời điểm này vẫn chưa GPMB xong).

Do trong quá trình triển khai GPMB, các hộ dân đã lựa chọn phương án nhận đền bù bằng tiền, không nhận nhà tái định cư nên ngày 24/4/2012, thành phố đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Thời đại mới T&T được chuyển mục đích sử dụng đất từ chức năng TTTM và nhà ở tái định cư sang chức năng TTTM, văn phòng và nhà ở bán.

Khu đất vàng được Tân Hoàng Minh chi 1.000 tỉ đồng để thâu tóm sau gần chục năm vẫn bỏ không.

Đến ngày 9/1/2015, Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc với chiều cao 8 tầng và 6 tầng hầm. Ngày 11/5/2015 UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 13/11/2015, UBND Thành phố ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Tiếp sau đó, chủ đầu tư phải triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư: khoan khảo sát địa chất, thỏa thuận đấu nối điện, cấp nước, thoát nước, lập thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế PCCC), thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế kỹ thuật…

“Thực tế chủ đầu tư rất tích cực triển khai các thủ tục đầu tư để có thể sớm khởi công xây dựng công trình, tránh thiệt hại thêm về kinh tế do đã chi vào dự án hơn 1.000 tỉ đồng để đền bù GPMB, di dời nhà máy nhựa sang địa điểm mới”, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết.

Liên tục điều chỉnh quy hoạch để “cứu” lỗ dự án?

Theo thông tin mà đại diện Tân Hoàng Minh đã chia sẻ, dự án đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, doanh nghiệp lại xin chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở.

Tuy nhiên, gần chục năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng, khu đất bị bỏ không một cách lãng phí trong khi quỹ đất vàng tại thủ đô đang ngày một khan hiếm.

Lý giải cho việc này, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, chi phí GPMB thực tế chủ đầu tư phải bỏ ra cao hơn so với phương án tính toán ban đầu. Doanh nghiệp này đã phải đền bù, di chuyển nhà máy hựa sang huyện Gia Lâm; đền bù cho các hộ dân với giá trị theo mức giá thị trường của khu vực Hồ Hoàn Kiếm là 1 tỉ đồng/m2. Do vậy, với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch so với phương án được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 88/QHKT-TMB-PAKT ngày 09/01/2015.

Sau quá trình xem xét việc điều chỉnh, Quốc Hội, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi sang chức năng thương mại, khách sạn. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã hướng dẫn nhà đầu tư tiến hành các thủ tục điều chỉnh phương án quy hoạch kiến trúc theo chức năng mới (thương mại, khách sạn).

Tuy nhiên, do địa điểm dự án nằm trong khu phố cổ nên phải triển khai nhiều bước, phải báo cáo Chính phủ chấp thuận nên mất nhiều thời gian so với các dự án khác. Đến ngày 01/9/2017, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan (các hội nghề nghiệp liên quan) nghiên cứu giải quyết hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch.

Đặc biệt, do thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch đã kéo dài nhiều năm và phức tạp chưa rõ có kết quả nên ngày 16/7/2018, chủ đầu tư đã báo cáo UBND Thành phố cho phép tiếp tục triển khai dự án xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán theo phương án quy hoạch đã được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 88/QHKT-TMB-PAKT ngày 09/01/2015.

Hiện tại, tập đoàn này cho biết dự án đang gấp rút triển khai các thủ tục giấy tờ pháp lý, thẩm duyệt, thẩm định, phê duyệt của các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật để dự án đủ điều kiện triển khai. Khi nào đầy đủ các giấy tờ cấp phép theo quy định của nhà nước, chủ đầu tư sẽ cho khởi công dự án.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Thời đại mới T&T có trụ sở chính tại số 22 – 24 phố Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Công ty này do Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà sáng lập vào tháng 12/2006, với số vốn góp 80% trên tổng số vốn điều lệ. Số vốn còn lại là do Công ty TNHH thương mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh) góp 14% và hai cá nhân khác là 4% và 2%.

Trong giấy chứng nhận đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 7 của Công ty T&T, tỷ lệ góp vốn của các bên có sự thay đổi. Trong đó, Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà chỉ còn 4%, hai cá nhân khác là 4% và 2%, còn Công ty Tân Hoàng Minh là 90%.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2017, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng toàn bộ 90,25% cổ phần cho một bên khác.

Về cơ cấu các cổ đông của dự án thời điểm hiện tại, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ chối tiết lộ.

Chủ đề: Bỏ hoang,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.