Những việc ông ưu tiên chỉ đạo trên cương vị người đứng đầu ngành xây dựng trước mắt là gì?
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (giữa). Ảnh: Nguyễn Lâm |
Với ngành xây dựng thì trước mắt là phải hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật trong đầu tư xây dựng. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư. Thứ hai là phải tập trung vào quản lý đô thị. Đây là lĩnh vực khó và phức tạp nhưng phải tăng cường quản lý để phát triển, để người dân được sống trong đô thị đảm bảo chất lượng sống, hạnh phúc hơn. Thứ ba là phải tập trung phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho những người ít có điều kiện tiếp cận với nhà ở giá cao.
Ông có ý thay đổi cơ chế thế nào để phát triển mạnh số lượng nhà ở xã hội mà vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu người có thu nhập thấp?
Hiện nay nhà nước đã có nhiều chính sách, quy định để phát triển nhà ở xã hội như hỗ trợ về thuế, đất, một phần tiền, lãi suất cho vay... Nhưng vấn đề là tổ chức thế nào để việc phát triển loại hình nhà ở này có kế hoạch, theo một thời kỳ dài, trung hạn, phù hợp với các đối tượng khác nhau trong sử dụng nhà ở đó.
Vấn đề nhà ở xã hội, tôi xác định đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Đây là loại hình nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu cho khá đông những người dân hoặc là chỉ có tiền mua nhà nhưng mua với giá thấp; hoặc là những người chỉ có tiền để thuê mà không thể mua hoặc là có những người thậm chí tiền để thuê cũng không có như người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa…Cho nên, chúng tôi cũng rất cần một số bộ và nhất là UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này.
Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng đã được Thủ tướng phê duyệt, ông chỉ đạo triển khai cụ thể thế nào?
Quy hoạch chung mới chỉ là bước đầu thôi, tức là phải
làm tiếp các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, rồi xác định các
quy hoạch phát triển đô thị để kiểm soát theo đúng mục tiêu phát triển
Hà Nội xứng tầm với một đô thị của một đất nước có quy mô dân số hơn 100
triệu dân, có hơn 1000 năm văn hiến.
Vừa rồi bộ Xây dựng có kiến nghị với Chính phủ, ngân hàng Nhà nước tháo gỡ một số khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Có người cho rằng điều này không đúng tinh thần nghị quyết 11/NQ-CP (về cắt giảm đầu tư, thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế cho vay bất động sản, chứng khoán…)?
Người dân xem quy hoạch xây dựng Hà Nội. Ảnh: T.T |
Cái này tôi cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nhưng rõ ràng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu quan tâm, phát triển thị trường bất động sản cho đúng, phù hợp với nhu cầu thì vẫn cần phát triển. Nhưng nếu phát triển không theo đúng nhu cầu, cung và cầu không phù hợp với nhau thì có thể dẫn đến lãng phí vốn đầu tư của xã hội.
Ông đánh giá, nhìn nhận về thực trạng thị trường bất động sản hiện nay thế nào?
Thực ra hiện nay chưa có một đánh giá toàn diện, chính xác về thị trường bất động sản, nhưng rõ ràng có sự trầm lắng, giữa cung và cầu không khớp thì chúng ta phải quan tâm. Thực tế có những loại nhà lại quá nhiều nhưng chưa phù hợp khả năng thanh toán của người dân, có những loại nhà lại thiếu. Bộ Xây dựng sẽ cùng các bộ, các địa phuơng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh rà soát, đánh giá lại nhu cầu nhà ở, căn cứ vào quy hoạch từng giai đoạn xem quy mô dân số, nhu cầu về số lượng nhà ở bao nhiêu là vừa, bao nhiêu quỹ đất và dự án để can thiệp, điều tiết, cân bằng cung cầu về nhà ở.
Tôi quan niệm, cái gì cũng phải cần trở về giá thị thực của nó. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là mức giá không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và thực tế phát triển kinh tế. Tình hình này sẽ dẫn tới cầu giảm xuống thì cung cũng phải giảm theo, từ đó sẽ giảm giá. Nhưng đầu tư như hiện nay thì các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra, đó cũng là sản phẩm, là tài sản của xã hội thì chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, để nó phát triển ổn định. Nên cũng cần có giải pháp nhưng đảm bảo hài hòa lợi ích: nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, người tiêu dùng.