CafeLand - Khi thị trường đầu tư bất động sản truyền thống ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Úc gần như bão hòa, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Bất động sản Đông Nam Á hấp dẫn

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc quán triệt quan điểm nhà được sử dụng để ở chứ không phải đầu cơ. Do đó, họ đã hạn chế việc giao dịch bất động sản trong nước bằng cách giới hạn số lượng nhà được mua, đồng thời áp đặt thuế bất động sản và lãi suất cho vay cao hơn.

Điều này đã khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc chuyển sự chú ý sang các thị trường nước ngoài. Kết quả là, Trung Quốc dần thay thế Mỹ trở thành quốc gia có nguồn đầu tư vào bất động sản nước ngoài lớn nhất thế giới, theo báo cáo nửa đầu năm 2019 của uoolu.com - một nền tảng của Trung Quốc về đầu tư bất động sản xuyên biên giới.

Tuy nhiên, khi thị trường đầu tư bất động sản truyền thống ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Úc gần như bão hòa, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi. So với giá bất động sản ở các thị trường này, thì giá nhà tại các nước Đông Nam Á chủ yếu dao động từ 11.382 Nhân dân tệ/m2 (Kuala Lumpur, Malaysia) đến 32.104 Nhân dân tệ/m2 (Bangkok, Thái Lan).

Tại sao nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản Đông Nam Á? 1

Mức giá sau tương tự như các thành phố hạng hai ở Trung Quốc, do đó vừa khả năng chi trả của các nhà đầu tư Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước tại Đông Nam Á cũng có ít loại thuế và phí liên quan đến giao dịch bất động sản, cùng phương thức thanh toán thuận lợi cho mức ngân sách đầu tư hạn chế.

Quan trọng nhất, bất động sản ở các nước Đông Nam Á đang có lợi suất cho thuê cao. Ngoài ngưỡng đầu tư thấp, các nhà đầu tư cũng chú ý nhiều hơn đến lợi tức đầu tư (ROI) của thị trường bất động sản này. Theo thống kê, một thành phố có lợi tức đầu tư đạt hơn 5% có thể được đánh giá là phù hợp để đầu tư và các thành phố như Manila, Phnom Penh và Bangkok đều nằm trong danh mục này.

Ngoài ra, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á cho phép quyền sở hữu cả đất đai và nhà ở. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển của các thành phố này, giá đất ở các quốc gia này chỉ có thể tăng, do đó sẽ đẩy giá bất động sản cao hơn.

Bất động sản Thái Lan được ưa thích nhất

Các nước phát triển như Singapore và Malaysia, dù có một số hạn mức đầu tư nhất định đối với bất động sản, thì việc bảo toàn tài sản và lợi tức đầu tư rõ ràng cao hơn so với các bất động sản ở Trung Quốc.

Điều quan trọng tiếp theo là tiềm năng tăng giá trị của bất động sản. Hầu hết các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm kiếm một đồng tiền đủ mạnh để chống lại bất kỳ rủi ro khấu hao nào có thể xảy ra khi lựa chọn các quốc gia để đầu tư. Theo uoolu.com, Thái Lan vẫn đứng vững ở vị trí số 1 về điểm đến cho đầu tư bất động sản xuyên biên giới nhờ lợi thế tiền tệ. Trong 5 năm qua, đồng đô la Mỹ mất giá chỉ 1,5% so với đồng baht. Đồng baht Thái Lan cũng đặc biệt mạnh trong số các loại tiền tệ của khu vực và đây có vẻ là một xu hướng bền vững.

Trong khi nhu cầu mua nhà ở nước ngoài chủ yếu vẫn là để đầu tư, nhiều người đã bắt đầu xem xét đến các giá trị gia tăng khác như nhập cư, giáo dục và nghỉ hưu, bên cạnh việc tăng giá vốn và thu nhập từ cho thuê. Vì thế, họ cũng cố gắng hiện thực hóa đồng thời nhiều nhu cầu hơn trong mỗi lần mua bất động sản.

Bằng cách đầu tư vào các bất động sản bên ngoài Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng có thể hưởng các lợi ích gia tăng khác như môi trường sống tốt hơn, chất lượng chăm sóc y tế hàng đầu, nền giáo dục quốc tế, việc mở rộng hoạt động kinh doanh đa quốc gia, chính sách thị thực thuận tiện hơn và cơ hội có được quyền cư trú vĩnh viễn ở nước ngoài.

Tại sao nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản Đông Nam Á? 2

Ở một mặt khác, đa số của các nhà đầu tư Trung Quốc đều ở độ tuổi từ 30 đến 49 tuổi, nhóm tuổi này hiện chiếm tỷ lệ cao tổng dân số. Phần lớn trong số họ đều đã gặt hái được thành quả nhất định từ sự bùng nổ của thị trường bất động sản và internet ở Trung Quốc những năm trước đó.

Không chỉ được trang bị kiến thức về mặt tài chính, họ cũng trở nên giàu có hơn rất nhiều với khả năng tìm kiếm các thị trường bất động sản ở nước ngoài, đồng thời vượt ra khỏi phạm vi đầu tư đơn thuần để cân nhắc các yếu tố khác như giáo dục và nghỉ hưu. Trong bối cảnh các trường quốc tế ở Trung Quốc có mức giá quá cao, nhiều người đã tìm thấy cho mình một sự thay thế rẻ hơn và thực chất ở các nước Đông Nam Á.

Khí hậu và môi trường sinh thái ở một số quốc gia Đông Nam Á cũng phù hợp hơn cho việc sống riêng, đặc biệt là cho người về hưu. Cùng với chi phí sinh hoạt thấp hơn, ngày càng nhiều người Trung Quốc bắt đầu di cư đến các quốc gia này cùng với gia đình thông qua các chương trình thị thực như SRRV ở Thái Lan và Philippines, và MM2H ở Malaysia.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do chính phủ Trung Quốc triển khai đã tăng cường quan hệ ngoại giao và đầu tư tại các nước Đông Nam Á. Điều này thể hiện rõ trong những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ như Tuyến đường sắt Bờ Đông ở Malaysia và Tuyến Đường sắt Thái Lan -Trung Quốc.

Những quan hệ đối tác xuyên biên giới giữa các quốc gia sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong khu vực. Ở chiều ngược lại, các quốc gia trong khu vực cũng sử dụng các chính sách thuế ưu đãi và kiểm soát ngoại hối bằng không để khuyến khích đầu tư nước ngoài, do đó thu hút ngày càng nhiều công ty và doanh nhân Trung Quốc tham gia vào thị trường.

Lam Vy (Bangkok Post)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.