Tháng 10/2011, Trung ương Đảng ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, một trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại. Chỉ vài tháng sau đó, các ngân hàng đầu tiên đi đến quyết định tái cơ cấu, và dồn dập nối tiếp là loạt các thành viên trong năm 2012.
Có thể hiểu hàm ý của câu hỏi trên: trước đây, trong hoạt động ngân hàng nói chung, khi có khó khăn hoặc rủi ro nảy sinh, nếu các chủ thể liên quan chủ động và tự giác báo sớm về Ngân hàng Nhà nước để cùng có giải pháp ngăn chặn, khắc phục sớm thì rủi ro có thể sẽ được kiểm soát tốt hơn, hay hạn chế được những hệ quả xấu về sau.
Thế nhưng, trong thực tế hoạt động, có những bất cập chỉ thực sự lộ ra khi hậu quả không thể che giấu được nữa, hoặc chỉ khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc.
Tháng 10/2011, Trung ương Đảng ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, một trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại. Chỉ vài tháng sau đó, các ngân hàng đầu tiên đi đến quyết định tái cơ cấu, và dồn dập nối tiếp là loạt các thành viên trong năm 2012.
Vì sao lĩnh vực ngân hàng có bước đi nhanh như vậy? Đến nay nhìn lại, hoạt động thanh tra mà Ngân hàng Nhà nước triển khai có thể nói là có tính quyết định cho tiến độ đó. Chưa bao giờ hệ thống có quy mô, tần suất và mức độ thanh tra hoạt động quyết liệt như vậy.
Kết quả thanh tra chỉ ra những yếu điểm, bất cập mà các ngân hàng liên quan buộc phải khắc phục bằng tái cơ cấu. Hay, những yếu điểm, những bất cập đó đã đẩy họ đến giới hạn.
Vấn đề là, vì sao những yếu điểm, bất cập kéo dài và tích tụ để rồi thanh tra “lôi” ra và buộc phải khắc phục bằng giải pháp tái cơ cấu? Đã không có sự chủ động, tự giác báo cáo sớm như câu hỏi trên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Như lẽ thường, mấy ai muốn người khác, nhất là nhà quản lý, biết được điểm yếu và đặc biệt là vi phạm của mình, thậm chí là tìm cách che giấu.
Thế nên mới có thực tế, những năm 2011 trở về trước, một số ngân hàng yếu kém vẫn đều đặn báo lãi và chia cổ tức, kể cả tạm ứng trước cổ tức. Nhưng đến khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc mới hay, cổ tức đã chia hoặc đã tạm ứng vượt quá cả lợi nhuận có được.
Trước tình trạng đó, lần đầu tiên trong hệ thống mới có việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị chặn lại việc sử dụng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Trong năm 2012 và cho đến nay, các ngân hàng chỉ được thực hiện chia cổ tức, tăng lương, chi thưởng sau khi thực hiện đúng việc trích lập dự phòng rủi ro. Khi mà vẫn còn tình trạng “anh không báo cho em”, vẫn còn sự che dấu rủi ro trong hoạt động và không tạo nguồn dự phòng đúng và đầy đủ, thì nhà điều hành phải chủ động trước như vậy.
Đó cũng là một biện pháp phòng ngừa. Bởi tại một số ngân hàng thương mại, lợi nhuận những năm trước đây có bao nhiêu đều chia hết, các quỹ dự phòng và trích lập dự phòng không đầy đủ, dẫn tới thiếu nguồn bù đắp cho thua lỗ những năm về sau. Thế nên mới có tình trạng ngân hàng lỗ ăn cả vào vốn điều lệ, thậm chí mất gần hết vốn.
Khi đề cập đến tình trạng trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp để ghi nhận một cách chặt chẽ hơn. Ví như trường hợp vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, lỗ đã ăn vào chỉ còn 2.000 tỷ đồng thì buộc phải ghi nhận đúng mức vốn còn lại để xác định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Điều này hạn chế tình trạng vẫn cứ “chường” mức vốn 3.000 tỷ đồng ra như đang lành lặn.
Cũng theo Thống đốc, có hai hướng để xử lý tình trạng đó: một là các cổ đông phải bù vào phần vốn bị lỗ ăn mòn; hai là “mời anh ra cho” để Ngân hàng Nhà nước mua lại, trở thành cổ đông và chấn chỉnh lại ngân hàng đó.
Hiện Chính phủ cũng đã có nghị quyết cụ thể chủ trương cho Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp trên (có thể thông qua các đầu mối ngân hàng thương mại nhà nước). Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ là một đầu mối để tiếp nhận lại phần vốn tại các ngân hàng mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái từ nay đến năm 2015 - một điều kiện góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.
Về định hướng chung, sau khi từng bước xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Bình cho biết đang bắt đầu bước vào giai đoạn hai của tái cơ cấu hệ thống. Giai đoạn này sẽ tập trung xử lý những ngân hàng lớn hơn, thử thách sẽ lớn hơn và sẽ quyết liệt hơn.
Trong thử thách và sự quyết liệt đó, có lẽ, vẫn có một phần nguyên nhân của sự tích tụ “sao anh không báo cho em” để lại.