06/08/2011 12:51 AM
Mạnh địa phương nào nấy làm mà chưa nhìn vào quy hoạch tổng thể, làm rối loạn trong sử dụng đất, đe dọa an ninh lương thực…

“Hầu hết các khu công nghiệp đều bám vào đường giao thông huyết mạch đi qua những vùng nông nghiệp trù phú. Hàng vạn hecta đất “bờ xôi, ruộng mật” bị sử dụng phí phạm, tác động trực tiếp đến công ăn, việc làm, thu nhập, đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp. Điều này còn đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia” - ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam, nêu tại hội thảo Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để sửa đổi Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 5-8.


Theo ông Huyên, nhiều địa phương tự phát chuyển mục đích sử dụng đất, tạo tình trạng rối loạn trong sử dụng đất và tác động xấu đến môi trường. Một số nơi nôn nóng đã cho phép san lấp lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ nhưng sau đó các dự án hoạt động cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang, thành dự án treo. Quy hoạch sử dụng đất chưa được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất…


Việc công khai quy hoạch ở nhiều địa phương vẫn còn nặng về hình thức, chưa đầy đủ. Địa điểm, tài liệu, cách thức… công bố về quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, người dân không biết, không hiểu.


Hội nghị cũng nhận định: đất trồng lúa đang chịu sức ép lớn của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện cả nước có trên 4 triệu ha. Trong 20 năm tới, khoảng 500.000 ha đất lúa sẽ phải chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp nên rất khó duy trì 3,8 triệu ha đất lúa. “Việc bảo vệ đất lúa không chỉ có ý nghĩa về đảm bảo an ninh lương thực mà còn là việc duy trì nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm của dân tộc. Vì thế phải xác định, càng cụ thể càng tốt, diện tích đất lúa để bảo vệ nghiêm ngặt và tính toán cho từng mét vuông được sử dụng với hiệu quả cao nhất…” - ông Huyên nói.


Tổng cục Quản lý đất đai kiến nghị cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Phân công lực lượng giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.


TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì đề xuất nên tiến tới quy định không được điều chỉnh quy hoạch trong suốt thời gian thực hiện quy hoạch sử dụng đất; quy định chi tiết hơn về việc công khai quy hoạch; phát triển quỹ đất sạch theo quy hoạch, rồi đưa các lô đất ra đấu thầu...


Họ đã nói

Đất nông nghiệp còn manh mún: cả nước có trên 70 triệu thửa đất. Đất giao thông còn thiếu so với nhu cầu phát triển, mật độ quốc lộ ở mức rất thấp so với khu vực. Diện tích đất công nghiệp tuy tăng nhanh nhưng còn dàn trải, thiếu thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Đất đô thị cũng tăng nhanh nhưng cơ cấu chưa hợp lý, đất ở chiếm tỉ lệ cao và chủ yếu là đất làm nhà ở… Đây là những bất hợp lý cần khắc phục.

Ông TÔN GIA HUYÊN, Hội Khoa học đất Việt Nam

Theo Hoàng Vân (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.