Nếu như kính cường lực có độ bền cao, kính chống cháy có khả năng chịu nhiệt thì kính phản quang được sử dụng trong nhiều công trình nhờ khả năng phản nhiệt, ngăn chặn tia UV.

Cùng với sắt thép, nhôm và gỗ, kính là một trong những loại vật liệu thông dụng, được sử dụng phổ biến trong nhiều công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng.

Vật liệu kính dùng trong xây dựng có các đặc điểm như tính thẩm mỹ, độ an toàn cao và dễ dàng thi công, phù hợp cho việc thiết kế không gian mở. Vì thế, những không gian có hạn chế về diện tích, nhất là tại các đô thị rất ưa chuộng sử dụng loại vật liệu này.

Hiện nay, không ít công trình xây dựng sử dụng kính phản quang để che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài tòa nhà

Thị trường hiện nay có nhiều loại kính xây dựng như kính cường lực, kính an toàn, kính chống cháy và kính phản quang… Vật liệu này thường được ứng dụng để làm cửa sổ, cửa ra vào, các vách ngăn hay thậm chí tường chịu lực.

Kính phản quang là gì?

Kính phản quang là loại kính phẳng, được phủ trên bề mặt một lớp phản quang bằng oxit kim loại. Lớp phản quang này có tác dụng làm giảm luồng nhiệt dư thừa và độ chói sáng, cân bằng những ánh sáng thông thường và chống tia UV.

Kính phản quang có tác dụng ngăn tia UV, giảm thiểu tia sáng có hại truyền qua kính

Đây là loại kính phát huy công dụng trong việc phản xạ ánh sáng, ngăn tia tử ngoại, cách nhiệt tốt mà vẫn đảm bảo được độ trong suốt khi người bên trong không gian nhìn ra phía ngoài.

Hiện nay, không ít công trình xây dựng sử dụng kính phản quang để che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài tòa nhà.

Cụ thể, kính phản quang có khả năng giảm tới gần 21% nhiệt lượng của không khí trong các tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, loại kính này còn có thể giảm tới 15% nhiệt lượng cho bên trong tòa nhà. Chính nhờ khả năng giảm bức xạ nhiệt tốt nên kính phản quang thường được dùng để làm cửa sổ, mái kính, vách kính.

Đặc điểm của kính phản quang

Hiện nay, kính phản quang được sản xuất với độ dày từ 5-19mm; Kích thước kính thành phẩm từ 100x300mm đến 3000x6000mm. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng để chọn lựa độ dày phù hợp cho công trình của bạn.

Các loại kính phản quang vốn là loại kính phẳng nên chúng có khả năng hạn chế tiếng ồn hiệu quả

Theo tiêu chí phản quang, vật liệu này được phân ra 2 loại là kính phản quang một chiều và kính phản quang hai chiều với nhiều màu sắc như màu xanh lá, màu xám, màu ghi…

Một đặc điểm đáng chú ý của loại kính này là màu sắc thay đổi theo độ dày. Theo đó, việc ghép các loại kính có độ dày khác nhau hoặc nhiều lớp khác nhau sẽ biến đổi màu sắc. Tùy theo số lần ghép mà màu có thể đậm hơn hay nhạt hơn.

Ngoài ra, kính phản quang sẽ bị mờ đi sau khi xử lý nhiệt do lớp phản quang trên bề mặt kính bị tác dụng với không khí.

Loại kính xây dựng này có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Khi sờ lên hai mặt của tấm kính, mặt nào để lại dấu vân tay rõ nét và khó lau sạch bằng tay không thì mặt đó được phủ lớp phản quang. Đặc biệt, khi đặt đồ vật trước mặt kính, mặt kính sẽ phản chiếu hình ảnh 2 đồ vật.

Kính phản quang có mấy loại?

Dựa trên công nghệ sản xuất, kính phản quang có 2 loại, gồm kính phản quang phủ cứng và kính phản quang phủ mềm.

Nhiệt phân - Kính phản quang phủ cứng

Đây là phương pháp lớp phủ được áp dụng trong quá trình luyện kính, lớp phủ hợp nhất trong kính ở nhiệt độ 1.200 độ C.

Phương pháp này tạo ra kính phản quang có độ bền cao, có thể cắt, gia cường, gia nhiệt, uốn cong như các loại kính thông thường khác.

Phủ chân không - Kính phản quang phủ mềm

Phủ chân không là phương pháp lớp phủ một lượng nhỏ kim loại lên bề mặt kính, bằng phản ứng dây chuyền trong lò chân không.

Kính phản quang phủ mềm có độ bền không cao vì hay bị xước, bong hơn kính phủ cứng. Ngoài ra, loại kính này không thể gia cường hay uốn cong, cắt gọt cũng phức tạp.

Ưu điểm của kính phản quang dùng trong xây dựng

Kính phản quang có nhiều ưu điểm vượt trội được nhiều chuyên gia đánh giá cao về mặt chức năng cũng như tính thẩm mỹ.

Ngăn tia UV

Kính phản quang có tác dụng ngăn tia UV, giảm thiểu tia sáng có hại truyền qua kính.

Giảm bức xạ nhiệt

Lớp oxit kim loại phủ trên kính giúp kính phản quang có khả năng giảm tới 25% nhiệt lượng. Qua đó giảm nhiệt lượng hấp thụ của các bức tường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến không gian trong nhà mát mẻ hơn.

Đảm bảo an toàn

Hiện nay, kính phản quang sử dụng trong xây dựng được làm từ kính dán an toàn, kính tôi cường lực… nên có độ bền cao, đáp ứng được yêu cầu an toàn cho người sử dụng.

Hạn chế tiếng ồn

Các loại kính phản quang vốn là loại kính phẳng nên chúng có khả năng hạn chế tiếng ồn hiệu quả. Cụ thể, khả năng chống ồn còn phụ thuộc nhiều vào độ dày của kính.

Tính thẩm mỹ cao

Trên thị trường, vật liệu kính phản quang có nhiều màu sắc đa dạng từ nhạt đến đậm. Do đó, tùy vào yêu cầu màu sắc của các công trình hay yếu tố phong thủy, bạn có thể lựa chọn loại phù hợp kính phù hợp.

Quy định sử dụng kính phản quang trong xây dựng

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới quy định công trình xây dựng mới phải áp dụng tiêu chuẩn xanh - là công trình có tỉ lệ cao sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Trong đã, có quy định hạn chế sử dụng kính xây dựng có hệ số phản quang lớn do các vấn đề môi trường như hiệu ứng nhà kính, nhiệt năng phát sinh.

Tại Việt Nam, hiện chưa có một quy chuẩn riêng về kính, nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng

Singapore là một trong số ít các quốc gia có luật quy định việc sử dụng kính và các vật liệu phản quang trong xây dựng. Theo quy định của nước này, các toà nhà không được phép sử dụng các loại kính có khả năng phản xạ quá 20% ánh sáng.

Bên cạnh đó, mặt tiền của các toà nhà không được phép sử dụng các vật liệu có phản xạ gương (phản xạ trực tiếp theo góc bằng với góc tới của ánh sáng) quá 10%. Mái nhà nghiêng một góc không quá 20 độ với mặt phẳng ngang cũng không được phép sử dụng các vật liệu có phản xạ gương quá 10%.

Tại Việt Nam, hiện chưa có một quy chuẩn riêng về kính (nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng...). Có một số tiêu chuẩn về kính được khuyến khích áp dụng nhưng cũng chỉ liên quan đến độ bền, độ an toàn, va đập... chứ chưa lưu ý đến hệ số phản quang, hấp thụ nhiệt, truyền sáng.

Nhà nước cần có quy định cụ thể về hệ số phản quang, màu sắc với kính ốp mặt tiền công trình.

Với những yêu cầu về chất lượng ở các công trình thi công khác nhau nên kính xây dựng cần được đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đối với vật liệu kính sử dụng tại mặt tiền công trình phải ghi rõ các thông số kỹ thuật như loại kính, xuất xứ, kích thước, bề dày, màu sắc, hệ số phản quang, hệ số hấp thụ nhiệt.

Về màu sắc của kính phải hạn chế tối đa các màu nóng như đỏ, bạc, vàng, cam. Không sử dụng loại kính có hệ số phản quang lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sinh hoạt của người dân xung quanh.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.