24/10/2023 10:30 AM
Việc đầu tiên mỗi ngày đi làm về của Vân Thanh là vào bếp kiểm tra miếng vải bọc đầu các vòi nước, sạch có nghĩa nước có thể nấu ăn, bẩn chỉ để tắm giặt.

Đây là thói quen suốt 5 năm qua của người phụ nữ 40 tuổi ở Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai. "Dốc tiền mua nhà mong an cư lạc nghiệp, tôi không nghĩ có ngày phải sống khổ như thế này", chị Vân Thanh nói.

Năm 2016, vợ chồng chị bàn tính mua chung cư khi thấy nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp mọc lên ở các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông theo chủ trương của thành phố. Những chung cư ở gần trung tâm, giá 25-30 triệu đồng một m2, thậm chí lên đến 35-40 triệu đồng nếu thêm các tiện ích như khu vui chơi, bể bơi, nằm ngoài khả năng của chị. Các dự án nhà ở xã hội giá thấp hơn nhưng thời gian nộp hồ sơ lâu, khó cạnh tranh bởi nhu cầu cao.

Trong tay Thanh lúc đó có 300 triệu đồng. Chị tính chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng nữa trong khả năng chi trả. Với số tiền đó, vợ chồng chị mua được căn hộ 58 m2 tại Khu đô thị Thanh Hà, cách nơi làm việc của họ gần 20 km. "Chấp nhận đi xa chút nhưng ước mơ có nhà Hà Nội cũng thành hiện thực", chị động viên chồng.

Dọn đến ở, gia đình mới nhận ra vô số bất ổn. Đầu tiên là nước sinh hoạt ô nhiễm. Các group mạng xã hội của dân cư liên tục có người phản ánh nước vẩn đục, có mùi lạ, thậm chí phát hiện sinh vật lạ, nhuyễn thể hay có rác thải dưới bể ngầm. Dù vậy, lần nào chủ đầu tư kiểm tra xong cũng khẳng định "nước an toàn".

Mọi việc quá sức chịu đựng từ đầu tháng 10/2023, cư dân phản ánh nhiều trẻ nhỏ bị mẩn ngứa khi tắm, cá cảnh chết sau khi thay nước. Viện Công nghệ môi trường sau đó thông báo hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt hàng chục lần.

Giải thích về vấn đề này, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà cho biết nguồn cung nước sạch tại các nhà máy không đủ, buộc công ty tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan gấp ba lần nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh. Từ ngày 14/10, đơn vị dừng cấp nước để kiểm tra, khiến cư dân 23 tòa nhà lao đao. Cảnh người già, trẻ nhỏ vạ vật chầu trực dưới sảnh, còn thanh niên tủa đi khắp nơi xin nước, kéo dài cả tuần nay.

Người dân tại Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng chờ xe chở nước sạch, tối 17/10. Ảnh: Phan Minh Châu.

Tình trạng nước bẩn, thường xuyên bị cắt nước không chỉ xảy ra ở Khu đô thị Thanh Hà. Khảo sát của VnExpress, tại các chung cư như Xuân Mai Complex ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; chung cư Hòa Phát hay Linh Đàm ở quận Hoàng Mai cũng nhiều lần ghi nhận tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng Ban quản lý cụm nhà HH2, chung cư Xuân Mai Complex, cho biết hồi cuối tháng 3/2023, số hộ phản ánh nguồn nước sinh hoạt có cặn bẩn, chuyển màu chiếm 30-40% trên tổng số 1.704 hộ. Ban quản trị chung cư chủ động làm xét nghiệm chất lượng nước. Kết quả cho thấy các chỉ số mangan, nitrat, nitrit (hóa chất độc hại có thể gây tổn thương nội tạng, ngộ độc) vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 9 lần.

Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Ngọc Hoan, đại diện Công ty Nước sạch Hà Đông, cho biết do nước cung cấp từ các nhà máy sông Đà, sông Đuống thiếu hụt 20-30%, "đơn vị liên tục phải đóng mở van điều tiết, làm tăng áp lực vào thành ống dẫn đến bong cặn bẩn và theo nguồn nước chảy về các căn hộ".

"Chung cư này sử dụng 5 năm nay nhưng chưa thổi xả các trục ống dẫn nước cũng có thể là nguyên nhân khiến cặn bẩn theo nguồn nước vào các hộ gia đình", ông Hoan nói và khuyên người dân nên mở vòi nước trong vài giây để xả cặn.

Nhưng câu trả lời trên không thỏa mãn cư dân bởi tình trạng đã kéo dài hai, ba năm nay. Anh Quốc Hưng (39 tuổi), cư dân tòa nhà, bày tỏ: "Cứ mỗi lần nước có vấn đề lại đổ lỗi cho thiếu nguồn cung, trục ống dẫn có vấn đề. Sao lúc chào bán, nhà thầu không cảnh báo về những vấn đề này?".

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng phần lớn các chung cư "có vấn đề" thuộc nhóm căn hộ giá rẻ (giá bán khoảng vài trăm triệu đồng một căn), ít tiện ích, xa trung tâm thành phố, phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình.

"Chính vì giá bán rẻ nên chủ ít đầu tư vào hệ thống hạ tầng, không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật hay nghiệm thu bài bản dẫn đến những điều kiện sống cơ bản của cư dân như điện, nước không được đảm bảo", chuyên gia nói.

Hình ảnh nước đục, xuất hiện các vết bẩn đen trên miếng vải bịt đầu vòi nước được người dân tại chung cư Xuân Mai Complex ghi lại giữa tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tắc thang máy cũng là vấn đề đau đầu của nhiều cư dân các khu chung cư bình dân. "Chuyện này xảy ra như cơm bữa", chị Thu Huyền (35 tuổi) sống tại một chung cư ở huyện Thanh Trì nói.

Chung cư nơi chị Huyền sống gồm hai tòa nhà 31 tầng thông nhau, gần 900 căn hộ sử dụng 9 thang máy công suất nhỏ (chứa 15 người) nhưng hiếm khi tất cả cùng hoạt động. Mỗi buổi sáng, người đứng xếp hàng chờ dài cả chục mét bởi tốc độ thang đi chậm, tầng nào cũng dừng đón. Một số người ở tầng 15 trở xuống chấp nhận đi thang bộ, tránh chờ đợi thêm hàng chục phút mới tới lượt.

Nhiều lần phản ánh đến ban quản lý yêu cầu khắc phục, nhưng đơn vị này cho biết không thể can thiệp bởi thiết bị được lắp cố định, khó thay đổi kết cấu tòa nhà.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, cho biết tình trạng ùn tắc thang máy, gặp sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của người dân là một thực tế, diễn ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội. Các vấn đề này xuất phát từ việc thời gian xây dựng và loại hình thang máy đang sử dụng không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, chất lượng thang kém nhưng không được bảo dưỡng thường xuyên, quá tải bởi mật độ dân cư ngày càng đông.

"Ngay từ đầu nếu các chủ đầu tư lắp đặt thang máy có sức chứa nhiều người, thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra tốc độ chưa chắc đã xảy ra tình trạng kẹt cứng, ách tắc như hiện nay", ông Nghiêm nói. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng làm bởi chi phí sẽ cao hơn mức thông thường, trong khi giá bán căn hộ rẻ.

Ngoài nguyên nhân khách quan do cơ sở vật chất kém, không ít người sống tại chung cư giá rẻ phàn nàn về ý thức của một bộ phận cư dân.

"Chung cư tôi ở thậm chí còn có dao, chổi, chậu hoa vô tư rơi từ trên cao xuống. Có lần tôi bị một cán chổi lau nhà sượt qua đầu, sợ đến đứng tim", chị Phạm Hương (45 tuổi), người từng mua một căn chung cư giá 700 triệu đồng năm 2017, tại quận Hoàng Mai, nói.

Bên cạnh đó, nhiều cư dân phàn nàn hệ thống cách âm giữa các căn hộ kém khiến âm thanh tứ phía dội vào nhà, như tiếng trẻ nhỏ chơi ở hàng lang, tiếng khoan đục từ nhà hàng xóm, tiếng loa kéo hay xe cộ đi lại dưới đường vọng lên.

Tổ trưởng một tổ dân phố tại Khu đô thị Linh Đàm (đề nghị giấu tên) cho biết cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở người dân nâng cao ý thức nhưng được một thời gian sau đâu lại hoàn đó.

Một vài thanh niên đã mang loa kéo bật nhạc đám ma trước mặt nhóm người cao tuổi khi liên tục chịu tiếng ồn tại Khu đô thị Linh Đàm, sáng 16/10/2022. Ảnh: Chụp màn hình

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp là chuyển đến phân khúc nhà ở cao cấp hơn. Nhưng hiện các căn hộ từ trung tâm đến rìa thành phố Hà Nội có giá 2-3 tỷ đồng, vượt quá khả năng của người lao động thu nhập thấp và trung bình.

Từng mong muốn thoát khỏi cảnh phải dùng nước bẩn, chị Thanh ở Khu đô thị Thanh Hà nhiều lần tính phương án chuyển đi nhưng lực bất tòng tâm, bởi giá nhà tăng liên tục trong khi thu nhập vẫn đứng yên. Chị nói, nếu nước vẩn đục hoặc có mùi clo gia đình chỉ dùng tắm giặt, trong hơn một chút mới dám ăn uống. Nếu bị cắt nước, người phụ nữ này được mách dùng màng bọc thực phẩm quấn bát, đũa, trước khi ăn để khỏi phải rửa.

Cùng hoàn cảnh, chị Phạm Hương ở quận Hoàng Mai luôn thấp thỏm về vật thể bay trong khu dân cư. Lo sợ thành nạn nhân, chị yêu cầu con trai chỉ được đi ở sảnh có mái che hoặc giữa sân chơi cách xa ban công, để đảm bảo an toàn.

"Biết là khổ nhưng tiền nào của nấy, đành phải tự thích nghi, vượt lên nghịch cảnh", chị nói.

Để tránh tình trạng trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh khi nhà nước đã đưa ra các quy chuẩn về điều kiện đảm bảo chất lượng sống, chủ đầu tư phải tuân thủ, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ.

"Giá rẻ cũng phải ra nhà. Dù ở đâu con người cần được hưởng mức sống tối thiểu", chuyên gia nói.

  • Chung cư giá rẻ nhếch nhác vì chợ cóc, hàng quán, ách tắc giao thông

    Chung cư giá rẻ nhếch nhác vì chợ cóc, hàng quán, ách tắc giao thông

    Nhiều dự án chung cư cao tầng tới 30 - 40 tầng mọc lên như nấm trong những năm gần đây đang khiến hạ tầng đô thị khu vực phía Nam Hà Nội quá tải nghiêm trọng.

  • Chất lượng chung cư giá rẻ: Rẻ nên dễ “ôi”

    Chất lượng chung cư giá rẻ: Rẻ nên dễ “ôi”

    Xét một cách công bằng, việc chung cư vào ở chưa lâu đã xuống cấp có thể xuất hiện ở bất cứ dự án nào, không riêng gì nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, ở phân khúc này, tình trạng nhà ở nhanh chóng hư hỏng xảy ra thường xuyên. Điều này khiến không ít người dân đặt câu hỏi, phải chăng vì giá thấp nên chất lượng chung cư không thể cao?

Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.