16/06/2014 3:53 PM
Xét một cách công bằng, việc chung cư vào ở chưa lâu đã xuống cấp có thể xuất hiện ở bất cứ dự án nào, không riêng gì nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, ở phân khúc này, tình trạng nhà ở nhanh chóng hư hỏng xảy ra thường xuyên. Điều này khiến không ít người dân đặt câu hỏi, phải chăng vì giá thấp nên chất lượng chung cư không thể cao?

Vừa ở đã xuống cấp

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 6 dự án nhà cho người thu nhập thấp đang chào bán là dự án Kiến Hưng - Hà Đông, Sài Đồng - Long Biên, Đặng Xá - Gia Lâm, Đại Mỗ - Từ Liêm và CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông với tổng số 3.750 căn hộ. Tuy nhiên, có một điều đáng bàn là trong 6 dự án đã được đưa vào sử dụng này, có đến 5 dự án bị người dân phản ứng gay gắt về chất lượng nhà có vấn đề.

Đưa vào sử dụng sớm nhất và cũng nhanh chóng bị người dân chê là dự án CT1 Ngô Thì Nhậm của chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai. Chỉ sau thời gian ngắn đi vào sử dụng, một số căn hộ ở đây đã ẩm mốc, bong tróc, thấm dột, thậm chí nứt tường.

Tình trạng này tái diễn rất nhiều lần khiến thời điểm đó nhiều hộ dân không khỏi ngán ngẩm và nghi ngờ về chất lượng của các dự án nhà ở giá thấp. Đi theo vết xe đổ của CT1 Ngô Thì Nhậm, những dự án sinh sau đẻ muộn như Kiến Hưng, Đặng Xá cũng không khá hơn. Với dự án Kiến Hưng, đã có thời điểm một số hộ dân ở đây phải “chống lụt” trong căn hộ của mình mỗi khi trời mưa.

Theo anh Trần Hòa Bình, cư dân ở tầng 19 tòa nhà 19T6, mùa mưa năm ngoái đối với vợ chồng anh là một thảm họa. Căn hộ chỉ 70m2 nhưng có đến 5-6 chỗ thấm, đặc biệt khi trời mưa to, nước tràn theo khe cửa sổ chảy vào nhà lênh láng. Ngoài hỏng hóc đồ đạc, nấm mốc cũng theo đó phát triển khiến tường nhà loang lổ rất mất thẩm mỹ. Đến nay dù đã được chủ đầu tư khắc phục, nhưng anh Bình cũng như nhiều hộ dân khác ở các tầng cao của 3 tòa nhà ở dự án Kiến Hưng vẫn nín thở khi mùa mưa ở Hà Nội bắt đầu.

Tình cảnh tương tự cũng lặp lại ở dự án Đặng Xá của chủ đầu tư Viglacera. Là dự án có mức giá gần như rẻ nhất Hà Nội, chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng/m2, theo nhiều cư dân chất lượng cũng tỷ lệ thuận với giá tiền.

Chị Nguyễn Như Mai, chủ nhân căn hộ trên tầng 10 nhà A1- D3, cho biết vài tháng sau khi vào ở, chị đã hoàn toàn “vỡ mộng” với căn hộ mình đang sở hữu. Ngoài những vết nứt chạy dọc thân tường, căn hộ còn bị thấm dột nghiêm trọng, mỗi khi trời mưa nước cũng theo khe cửa sổ chảy thẳng vào nhà, lan can bảo vệ gỉ sét, hư hỏng gây mất an toàn. Cũng theo chị Mai, thỉnh thoảng cư dân của tòa nhà còn phải chịu cảnh nước có mùi lạ hay tắc đường ống nước thải khiến nước trào ngược vào nhà.

Tình trạng trên kéo dài đã hơn 2 năm nhưng cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thể xử lý được triệt để, những vết nứt trên tường ngày càng chạy dài, tình trạng tường ngấm nước, ẩm mốc cũng không thuyên giảm khiến cho người dân rất bất an và liên tục kêu ca về chất lượng của dự án này.

Giá rẻ phải chấp nhận?

“Co ngót bê tông” là lời giải thích phổ biến của nhiều chủ đầu tư với các cư dân khi xảy ra hiện tượng nhà ở bị thấm dột hay nước tràn vào nhà. Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, ở các công trình xây dựng, khi đưa vào sử dụng bao giờ cũng có quá trình co ngót bê tông, điều này sẽ dẫn đến những vết nứt hay hiện tượng thấm dột ở các căn hộ, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cũng theo ông Tuấn, công ty đã cố gắng khắc phục sửa chữa, nhưng với hàng ngàn căn hộ không thể tránh khỏi sai sót.

Tuy nhiên, theo nhiều cư dân, hiện tượng co ngót bê tông chỉ có thể chấp nhận nếu như xảy ra ở thời gian đầu đưa vào sử dụng. Khi thời gian đã lên đến 2-3 năm, sự xuống cấp nhanh chóng của căn hộ phải đến từ nhiều nguyên nhân khác liên quan đến xây dựng, không chỉ đơn thuần do co ngót bê tông.

Chính đại diện Vinaconex Xuân Mai cũng từng thừa nhận, một phần lỗi do nhà thầu thi công ẩu, ban quản lý và đại diện chủ đầu tư lại giám sát không chặt. Mặt khác, theo các chuyên gia đô thị, chính mật độ cư dân quá cao tại những khu chung cư thu nhập thấp, chung cư giá rẻ cũng dẫn đến tình trạng quá tải cho các tòa nhà.

Vì diện tích nhỏ, số căn hộ tăng lên, dân số cũng vì thế trở nên đông đúc, cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân sẽ nhanh chóng hư hại, xuống cấp. Chưa kể nhiều chủ đầu tư còn xin điều chỉnh lại cơ cấu căn hộ, thậm chí xây chồng thêm tầng khiến kết cấu móng bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng tòa nhà xuống cấp.


Khu đô thị Đặng Xá của chủ đầu tư Viglacera. Ảnh: HOÀI TRÂM

Bên cạnh đó, dân số đông nhưng chủ đầu tư lại phải tiết kiệm chi phí để bù trừ vào mức giá cũng khiến nhiều dịch vụ tối thiểu của cư dân bị xà xẻo. Hầm để xe thiếu khiến mỗi lần gửi xe người dân phải mất từ 15-20 phút, mỗi tầng không có hệ thống tăng áp, không thông gió dù có gần 20 căn hộ cùng sinh sống, thang máy lúc nào cũng trong tình trạng quá tải vì số lượng người quá đông…

Tất cả những điều này khiến cho tình trạng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ càng lúc càng tệ mặc dù chủ đầu tư đã tìm mọi cách để cứu vãn. Thậm chí, nhiều người đã lo ngại rằng nếu không có sự điều chỉnh và rút kinh nghiệm, các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ nhanh chóng đi vào vết xe đổ của nhà ở tái định cư, mà mới đây sau nhiều năm cả người dân và cơ quan quản lý “hết chịu nổi”, Bộ Xây dựng đã phải quyết định khai tử khái niệm này.

Chủ đề: Nhà thu nhập thấp
Khôi Nguyên (Sài Gòn Đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.