Mua nhà ở độ tuổi còn trẻ luôn là hành trình đáng tự hào, nhưng những lời soi mói, mỉa mai lại là những gì Nguyễn Vân (SN 1996, Thanh Hóa) nhận được khi cô chia sẻ hành trình mua nhà Hà Nội ở tuổi 23.

Vân kết hôn từ rất sớm, khi đang là sinh viên năm hai. Chồng hơn cô 1 tuổi, hai bên gia đình cũng không thuộc dạng khá giả nên vợ chồng trẻ phải tự lực cánh sinh khi đang ở độ tuổi “chưa trải sự đời”.

Có thai nên Vân gác lại việc học và ở quê cho tới lúc sinh. Đến khi con được 8 tháng tuổi, vợ chồng Vân quyết định đưa con ra Hà Nội để lập nghiệp.

Căn hộ được thiết kế đơn giản nhưng đầy đủ công năng.

“Nghĩ đến thời gian đầu đặt chân lên Hà Nội, không quen biết một ai, hai vợ chồng thuê một phòng trọ nhỏ. Chồng mình làm ở một công ty nhập khẩu các thiết bị phòng cháy chữa cháy, phụ kiện, máy móc, còn mình vừa đi học, vừa làm thêm tại cửa hàng ghế massage. Lương hai vợ chồng chỉ hơn chục triệu, nên việc chi tiêu phải thắt chặt đến mức tối đa. Thậm chí, bé nhà mình phải nhờ bác hàng xóm trông giúp vì không đủ tiền để gửi con đi lớp hay thuê giúp việc. May mắn bác cũng dễ tính và thích trẻ con, cuối tuần mẹ mình gửi đồ ăn từ quê lên mình lại mang qua cho bác.

Dần dần công việc ổn định và lương hai vợ chồng cũng cải thiện hơn. Cuối năm 2018, khoảng sau 2 năm lập nghiệp tại Hà Nội vợ chồng mình tìm hiểu và quyết định mua nhà, vì con đã lớn cần có một môi trường và một không gian tốt hơn” – Vân chia sẻ.

Được biết, căn hộ Vân mua có diện tích 70m2, nằm trong một khu đô thị xa trung tâm thành phố. Giá khi nhận bàn giao vào khoảng 600 triệu đồng, tiền nội thất khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, vợ chồng Vân chỉ có sẵn 200 triệu đồng từ tiền vàng cưới và một khoản tích góp nhỏ. Còn lại vay ngân hàng 300 triệu đồng trong 3 năm và vay người thân mỗi người một ít. Mỗi tháng vợ chồng Vân phải trả tiền gốc và lãi khoảng 10 triệu đồng.

Căn nhà tọa lạc tại khu đô thị xa trung tâm thành phố, nên không sống trong lành và thoáng mát.

Vân cho hay: “Mỗi ngày hai vợ chồng đều phải cố gắng đi làm, thắt lưng buộc bụng trả nợ trong 3 năm. Trong 6 năm kết hôn, dù là trước hay sau khi mua nhà, vợ chồng mình cũng lựa chọn cách chi tiêu tối giản nhất có thể như không tụ tập bạn bè, không đi chơi, không mua sắm khi không cần thiết.

Nhìn bạn bè cùng lứa tuổi đang du lịch khắp đó đây, đổi điện thoại, đổi xe, còn vợ chồng mình thì gánh trên vai một khoản nợ. Nhưng đó là do vợ chồng mình lựa chọn và chưa bao giờ hối hận với quyết định đó.

Hiện mọi chuyện đã ổn thỏa, mình đã trả hết nợ sau 3 năm, mua được ô tô và mục tiêu xa hơn là chuyển xuống nhà mặt đất”.

Sau 6 năm kết hôn, có nhà, có xe, Vân đơn giản chỉ muốn chia sẻ thành quả của mình sau một hành trình dài đầy sự cố gắng và nỗ lực, nhưng bên cạnh những lời chúc mừng từ người thân, bạn bè thì cô lại nhận được vô số những bình luận đầy sự nghi hoặc.

Vân nhận không ít những lời nói móc, giễu nhại khi chia sẻ về hành trình mua nhà.

“Nhiều người đã vào bài viết của mình để bình luận chắc bố mẹ giàu thôi chứ 23 tuổi lấy đâu ra tiền mua nhà hay thắc mắc vợ chồng mình làm gì lại có thể trả nợ nhanh như vậy.

Lúc đầu chồng mình cũng chỉ làm nhân viên xuất hàng bình thường lương khoảng 7-8 triệu đồng, còn mình đi học nửa ngày, đi làm nửa ngày lương chỉ 4-5 triệu đồng. Sau đó, anh được lên thủ kho còn mình cũng làm sale nên thu nhập khá hơn mới tính đến chuyện mua nhà.

Để trả nợ được trong thời gian 3 năm, vợ chồng mình phải gồng hết sức và dồn hết khoản lương, thưởng chứ không hề dễ dàng gì. Mỗi người có riêng những lựa chọn và mục đích sống khác nhau. Thành quả mà bất kỳ ai đạt được cũng là kết quả của một quá trình dài nỗ lực, vất vả. Mình không làm được không có nghĩa người khác không thể” – 9X bộc bạch.

  • “Ngân hàng bố mẹ” đang vượt ngân hàng truyền thống trong việc giúp người trẻ mua nhà?

    “Ngân hàng bố mẹ” đang vượt ngân hàng truyền thống trong việc giúp người trẻ mua nhà?

    Ngân hàng bố mẹ là cách gọi khác của các khoản hỗ trợ tài chính từ phụ huynh để giúp con cái sở hữu nhà riêng. Tại phương Đông, điều này hết sức bình thường. Nhưng 2 năm trở lại đây, khi giá bất động sản và lãi suất tăng cao, những người trẻ phương Tây vốn có xu hướng độc lập về tài chính từ sớm cũng phải phụ thuộc nhiều hơn vào cha mẹ mới đủ khả năng mua nhà.

  • Người trẻ mua nhà: Đôi lúc… phải liều

    Người trẻ mua nhà: Đôi lúc… phải liều

    CafeLand - Sau hơn 15 năm sống ở Sài Gòn với không biết bao nhiêu lần chuyển nhà, từ căn phòng trọ 12m2 thời sinh viên đến căn phòng rộng hơn một chút khi đã lập gia đình, Tết này có lẽ là cái Tết vui nhất với vợ chồng Khôi vì đã kịp hoàn tất thủ tục, sửa sang và chuẩn bị dọn vào nhà mới. Lần này, Khôi không phải dọn vào nhà trọ mà là căn nhà mới mua, đứng tên cả hai vợ chồng hẳn hoi

Bảo Minh (Ảnh NVCC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.