Năm 2023, Lâm Đồng sẽ khởi công dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Đón đầu cơ hội
Việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang kích hoạt làn sóng đầu tư mới tại các địa phương trong cả nước.
Thực tế cho thấy, trong năm 2022, nhiều thông tin tích cực về việc đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đã thôi thúc nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản như Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh, T&T,… đổ về Lâm Đồng nghiên cứu đầu tư nhiều dự án quy mô lớn.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đồng ý để Liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC – FUTA Group nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng quy hoạch khu vực 50.000 ha dọc tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.
Quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các khu dân cư, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ du lịch, góp phần tăng cường quản lý và kêu gọi đầu tư tại các huyện, thành phố mà tuyến cao tốc đi qua.
Tại Quảng Nam, ngay sau khi tuyến đường bộ ven biển Võ Chí Công được đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1, nhiều doanh nghiệp lớn đã đổ về đây đầu tư những dự án lớn nhu Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An quy mô 4 tỉ USD, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An quy mô 4.800 tỉ đồng,…
Trong năm 2022, nhiều tập đoàn tên tuổi lớn như Sungroup, Ecopark, Novagroup, Panko Hàn Quốc,… cũng đã đề xuất nghiên cứu đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại khu vực ven tuyến đường ven biển này.
Ngày 13/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã cơ bản thống nhất về hồ sơ thiết kế đô thị hai bên đường Võ Chí Công, đoạn từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai. Theo định hướng, đường Võ Chí Công là tuyến đường phục vụ phát triển du lịch.
Quảng Ngãi đang tổ chức lập quy hoạch phân khu dọc đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.
Còn tại Quảng Ngãi, song song với việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển, hiện tỉnh này đang triển khai lập các quy hoạch phân khu dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh để sớm triển khai các thủ tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, du lịch mới.
Hiện trên địa bàn cả nước đang có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó có nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020.
Nhiều địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất và khởi công xây dựng nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.
Không riêng gì dự án cao tốc Bắc-Nam, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang xúc tiến các hồ sơ thủ tục có liên quan để khởi công mới, như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; tuyến đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh;…
Bên cạnh các dự án giao thông đường bộ, nhiều dự án cảng hàng không cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng và khởi công mới, như dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không Phan Thiết; dự án cảng hàng không Quảng Trị;...
Những dự án nói trên một khi được triển khai đầu tư xây dựng sẽ góp phần giải quyết bài toán logistics, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời mở ra nhiều vùng đất phát triển mới.
Tổng vốn bố trí để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 470.000 tỉ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Quy hoạch mới, cơ hội mới
Không riêng gì việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mà nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quan trọng khác được phê duyệt cũng sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào các địa phương trong năm 2023.
Năm 2022, khi đến thăm và làm việc trực tiếp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy hoạch cấp tỉnh, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo chất lượng khi lập quy hoạch.
Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã chính thức mở ra nhiều cơ hội phát triển mới và cả những vùng đất phát triển mới tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Tương tự, HĐND tỉnh Bình Định cũng vừa thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 8,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người.
Bình Định sẽ phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ;…
Không riêng gì quy hoạch cấp tỉnh, nhiều địa phương cũng đang triển khai lập nhiều đồ án quy hoạch quan trọng khác nhằm tạo động lực phát triển và thu hút làn sóng đầu tư mới.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, các đồ án quy hoạch lớn của tỉnh đang được triển khai đồng bộ đã tạo nên chuyển biến tích cực đối với thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa.
Đơn cử như Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Theo đó, Khánh Hòa sẽ phát triển ba vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Hiện tỉnh Khánh Hòa đang ưu tiên hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong và triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư có tính chiến lược.
Tương tự Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên cũng đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên để trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ thương mại - du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển…
Đồ án quy hoạch được điều chỉnh lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nhiều dự án quy mô lớn vào Khu kinh tế Nam Phú Yên trên nhiều lĩnh vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thừa Huế nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã triển khai thực hiện hơn 13 năm, đến nay cần rà soát lại tổng thể các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển, phân khu chức năng, khả năng tác động của các dự án đầu tư đã có với các khu vực chưa triển khai xây dựng để có cơ sở xem xét toàn diện các nội dung ở thời kỳ quy hoạch tiếp theo phù hợp với bối cảnh mới,…
Tương tự như các địa phương nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi hiện đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất; tỉnh Quảng Bình đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La; tỉnh Quảng Trị hiện đang xúc tiến các thủ tục liên quan để sớm khởi công dự án cảng hàng không trong quý 1/2023, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Đông Nam;…
-
Năm 2023 Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn nhà nước tại Viglacera, HUD và VICEM
Theo kế hoạch, năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty (TCT) CP Sông Hồng và TCT Viglacera; đồng thời chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TCT Xây dựng Hà Nội.
-
Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) - Làng Du lịch tốt nhất năm 2024
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng ngày 15/11, làng rau Trà Quế (Hội An) được vinh danh trong mạng lưới Làng du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc - UN Tourism....
-
Quảng Nam sẽ đầu tư dự án chống ngập thành phố Tam Kỳ quy mô 4.000 tỷ đồng?
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8759/UBND-KTTH giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án Chống ngập thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
-
Quảng Nam đề nghị bàn giao 868 ha đất khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8707/UBND-KTN gửi đến Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam....