Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng
Đứng đầu bảng xếp hạng các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm tốt nhất trong tháng 3/2022 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức điều chỉnh tăng từ 0,15 - 0,2%/năm tuỳ kỳ hạn. Ở hầu hết các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng), SCB đều có lãi suất cao nhất thị trường hiện nay. Cụ thể, kỳ hạn 1 và 3 tháng ở mức 4,0%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều 7,0%/năm. Đặc biệt, với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi 13 tháng, SCB niêm yết lãi suất tiết kiệm lên tới 7,6%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) các kỳ hạn dưới 9 tháng đều có mức lãi suất cao nhất trong thị trường. Cụ thể, kỳ hạn 1 và 3 tháng 4,0%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lược 6,5%/năm và 6,6%/năm. Mức lãi suất từ 12 tháng trở lên đều 6,7%/năm (trừ kỳ hạn 13 tháng là 6,8%/năm).
Ngân hàng VRB (Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga) cũng có mức lãi suất khá tốt ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 18 tháng lãi suất mức 6,7%/năm, kỳ hạn 24 và 36 tháng đều 7,0%/năm. Lãi suất không kỳ hạn là 0,2%/năm.
Các ngân hàng cũng có những mức lãi suất ưu đãi đối với những khoảng tiền gửi lớn. Như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), mức lãi suất cao nhất của ngân hàng lên tới 7,1%/năm dành cho khoản tiền 100 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với số tiền gửi tiết kiệm 500 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 7,0%/năm.
Với lãi suất tiết kiệm gửi trực tuyến, SCB có mức cao nhất toàn thị trường ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, cụ thể, kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt là 6,65%/năm và 6,8%/năm. Với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) lãi suất cao nhất toàn ngành với 7,2%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 7,4%/năm (kỳ hạn 18, 24, 36 tháng).
Bên cạnh những ngân hàng tăng lãi suất hoặc vẫn giữ nguyên, ACB giảm 0,3-0,6 điểm % với tất cả kỳ hạn gửi tiết kiệm phổ thông tại quầy. Chẳng hạn như kỳ hạn 12 tháng, lãi suất chỉ còn 5,1% một năm, đứng thứ ba trong nhóm thấp nhất thị trường. Trong số những ngân hàng TMCP, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) nằm trong top những ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất toàn ngành với chỉ 4,85%/năm và 5,1%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Trong khi lãi suất tiết kiệm biến động tại khối ngân hàng thương mại cổ phần trong những tháng đầu năm 2022, thì tại khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), lãi suất tiếp kiệm tháng 3 không có sự thay đổi so với đầu năm. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1% đến 2%.
Vietcombank có lãi xuất cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng nhưng vẫn nằm trong mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất trong thị trường với cùng kỳ hạn. VietinBank có lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,6%/năm, trong khi, Agribank và BIDV có cùng lãi suất cao nhất ở mức 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021 (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021). Dư nợ tín dụng tăng cho thấy nhu cầu tín dụng tăng lên, dòng vốn đã khai thông, các doanh nghiệp đang dần phục hồi sau đại dịch.
Cũng theo số liệu của NHNN về tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn năm 2021 có những cải thiện đáng kể so với cuối năm 2020. Cụ thể, so với đầu năm, cung tiền M2 tăng 10,7% (ngày 24/12 đạt 8,93%); huy động vốn ghi nhận tăng 9,24% (ngày 24/12 tăng 8,44%).
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN, tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I/2022 và tăng trưởng khoảng 14,1% trong năm 2022. Tín dụng cải thiện sẽ khiến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng tăng theo.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và ghi nhận ở mức cao từ đầu năm đến nay. Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng ở mức khá cao, trên 166.800 tỷ đồng (ngày 22/02/2022) đối với kỳ hạn qua đêm, cao hơn nhiều doanh số bình quân khoảng 118.100 tỷ đồng trong tháng 1/2022.
Trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu nhưng chỉ huy động thành công 761 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 11,7%. Chỉ có kỳ hạn 10 năm và 30 năm huy động thành công, trong khi các kỳ hạn 7, 15 và 20 năm đều đầu thầu thất bại. Tỷ lệ đăng ký cũng ở mức thấp, 1,4 lần và phản ánh nhu cầu trái phiếu Chính phủ giảm mạnh trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh và việc không chắc chắn về diễn biến lợi suất trái phiếu trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê, mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2021 đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Theo nhiều dự báo, lãi suất năm 2022 có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều dự báo đưa ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ vaccine. Như vậy, nhu cầu vốn tín dụng tăng lại sẽ đẩy lãi đi lên.
Lãi suất tiết kiệm dân cư vẫn ở mức thấp, lãi suất liên ngân hàng neo cao, huy động trái phiếu Chính phủ sơ cấp đạt tỷ lệ thấp trong khi tín dụng tăng khá mạnh, phần nào cho thấy bức tranh thị trường vốn hiện nay bắt đầu chuyển động và đang dồn áp lực vào kênh tín dụng. Rất có thể từ sau quý II/2022, mặt bằng lãi suất sẽ chuyển động theo hướng tăng mạnh, bên cạnh đó là những mối lo về lạm phát.
-
Chuyên gia tài chính: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025...
-
Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?
Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách.
-
Sắp tới lãi suất ngân hàng tăng hay giảm?
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Tiền Phong (TPS) cho thấy, lãi suất huy động đã giảm mạnh từ tháng 10/2023 và đạt mức thấp nhất trong vòng ba năm gần nhất.