Mới đây, Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết Tổng hội Công nghiệp toàn quốc Đài Loan - Trung Quốc (CNFI) vừa công bố Báo cáo điều tra hàng hóa uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan năm 2022
Theo đó, Báo cáo chủ yếu đề cập tới hàng nhập khẩu từ các đối tác, trong đó, Việt Nam đứng thứ hai (sau Trung Quốc) với tổng cộng 15 báo cáo, chiếm 14,6% tổng số các báo cáo phản hồi hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan.
Sắt thép, xi măng của Việt Nam nguy cơ bị đánh thuế tại Đài Loan – Trung Quốc
Được biết, có 12 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như sắt thép, clinker xuất hiện trong danh sách nhóm các mặt hàng nhập khẩu được coi là uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan.
Cụ thể, mặt hàng clinker dùng để sản xuất xi măng có mã CCC Code 25231090003; các mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng thiếc, có độ dày dưới 0,5mm có mã CCC Code 72101200008; mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng kẽm; mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng ôxít crôm hoặc hỗn hợp crom và oxit crom có mã CCC Code 72105000001.
Đối với mặt hàng clinker xi măng, CNFI cho hay, các loại clinker xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước ASEAN đã bán giá thấp hơn mức 150-200 Đài tệ/tấn so với các nhà sản xuất nội địa để chiếm lĩnh thị trường.
Năm 2019, lượng nhập khẩu clinker sản xuất xi măng từ Việt Nam là 1.450.070 tấn, thị phần 12,1% và năm 2021 lượng nhập khẩu giảm còn 594.082 tấn, chiếm 4,5% thị phần nhưng các doanh nghiệp Đài Loan vẫn bị ảnh hưởng bởi giá bán thấp.
Sau khi báo cáo được công bố, CNFI khuyến nghị chính quyền Đài Loan - Trung Quốc đưa các mặt hàng trên vào hệ thống cảnh báo sớm, áp thuế chống bán phá giá và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.
Với mặt hàng xi măng, CNFI đề nghị chính quyền Đài Loan–Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với các nhà nhập khẩu cạnh tranh với giá thấp; yêu cầu các nhà nhập khẩu sử dụng tàu chở hàng rời đặc biệt để giảm ô nhiễm; tiến hành kiểm tra việc dỡ hàng phát thải bụi và loại bỏ thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn.
Đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng, nhãn mác đối với xi măng nhập khẩu, tăng mức xử phạt đối với các sản phẩm không đạt chất lượng và yêu cầu Cục Quản lý thuế kiểm tra nghiêm việc trốn thuế hàng hóa.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm như thép, clinker cùng một số sản phẩm khác rà soát lại các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang Đài Loan - Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ các động thái của thị trường để kịp thời xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.
-
Thách thức nào cho ngành xi măng trong nửa cuối năm 2022?
Tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, tạm dừng sản xuất... đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp xi măng trong năm 2022.