22/08/2022 9:22 AM
Tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, tạm dừng sản xuất... đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp xi măng trong năm 2022.

Ngành xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất, với công suất 120 triệu tấn/năm. Dù vậy, những tồn tại của ngành này cũng không ít khi phát triển manh mún, quy mô nhỏ cùng với những áp lực của tình hình thị trường.

Trong 7 tháng đầu năm, ngành xi măng cũng như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng khác đang chịu nhiều khó khăn, thách thức. Với riêng ngành xi măng, hệ lụy bi đát không phải chỉ do bất động sản ảm đạm mà còn đến từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau.

Ngành xi măng Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất

Triển vọng ngành xi măng trong năm 2022 đang bị đè nặng bởi những “quả tạ” riêng biệt nhưng chồng chéo nhau, gồm biến động giá nguyên nhiên liệu, rủi ro lạm phát, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản cùng với sự suy yếu của kênh xuất khẩu.

Nguyên, nhiên liệu biến động mạnh

Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu và gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Xăng dầu và than, hai nguyên vật liệu chính của ngành xi măng, liên tục biến động mạnh về giá bán và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ “hạ nhiệt”.

Cụ thể, sau khi tăng hơn 50% trong năm 2021, giá dầu Thế giới vẫn liên tục xác lập đỉnh mới trong năm 2022. Đối với mặt hàng than, hiện giá than nội địa đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, từ mức 1,8 triệu đồng/tấn trước đây. Giá than cám 4b nhập khẩu cũng tăng lên 5,5 triệu đồng/tấn.

Sản xuất xi măng gặp khó vì chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh

Trước áp lực chi phí đầu vào tăng cao, từ tháng 3.2022 đến nay, các doanh nghiệp xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000-270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa giúp nhà sản xuất xi măng “dễ thở” hơn. Theo đó, đã xuất hiện tình trạng một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ.

Các thị trường chính cắt giảm nhập khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 6 đạt 1,38 triệu tấn, giảm 13,5% so với tháng trước và giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, xuất khẩu xi măng đạt 1,12 triệu tấn, giảm 26,3% so với tháng 5. Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng clinker tiếp tục giảm mạnh chỉ đạt hơn 250.000 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm 2022, tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinker của toàn ngành đạt 17,05 triệu tấn, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Được biết, sản lượng xuất khẩu xi măng là 8,21 triệu tấn và clinker là 8,84 triệu tấn.

Thị trường nội địa ảm đạm, gánh nặng tiêu thụ mặt hàng xi măng đè lên xuất khẩu nhưng kênh bán hàng này trong năm nay cũng không khởi sắc do các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu. Cụ thể, 2 thị trường xuất khẩu xi măng và clinker chính Việt Nam là Trung Quốc và Philippines đều có mức sụt giảm nhập khẩu đáng kể.

Với Trung Quốc, xuất khẩu xi măng giảm do nước này vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” khiến là thị trường bất động sản của nước này tiếp tục suy yếu. Còn ở Philippines, xuất khẩu bị tác động bởi tình trạng vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Bên cạnh đó, một số thị trường khác như Bangladesh, Chile, Peru không có ghi nhận sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn này.

Gặp khó vì phòng vệ thương mại

Thị trường xuất khẩu xi măng từ nay đến cuối năm được dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu mặt hàng này tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Thuế quan Philippines đang xem xét gia hạn biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng loại 1 và loại 1P nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, sau quá trình điều tra Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) kết luận lượng nhập khẩu xi măng đã gia tăng đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra. Do đó, Philippines đã quyết định áp dụng sắc thuế tự vệ tạm thời 8,40Php/túi 40kg, tương đương khoảng 4 USD/tấn đối với xi măng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Hiện nay, mặt hàng xi măng xuất khẩu sang thị trường Philippines chịu thêm thuế tự vệ của nước sở tại. Cụ thể, Philippines áp thuế nhập khẩu khoảng 5% giá bán, Bangladesh áp thêm 8% thuế giá trị gia tăng từ mức 15% lên 23%.

Áp lực “xanh hóa” xi măng

Ngành xi măng hiện nay đang phải đối mặt với việc "xanh hóa”, giảm khí thải ra môi trường. Trên thực tế, xi măng có lượng khí thải carbon khổng lồ chiếm khoảng 8% lượng khí thải toàn cầu.

Được biết, xi măng vốn là ngành cần nhiều năng lượng và sử dụng than nhiều. Cụ thể, sản xuất một tấn xi măng cần 200-450 kg than và phát thải ra ít nhất 600kg carbon.

Hiện sản phẩm xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới.

3 thách thức ngành xi măng trong năm 2022

Tại Hội thảo khoa học “Sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chủ tịch VNCA đã nêu ra một loạt thách thức mà ngành xi măng phải đối mặt.

Nếu không có quy hoạch ngành xi măng, thị trường tiếp tục mất cân đối trầm trọng

Thách thức đầu tiên là nguyên nhiên liệu. Nguyên liệu than chiếm 50-60% trong chi phí sản xuất xi măng. Việc giá mặt hàng này tăng mạnh đẩy nhiều dây chuyền sản xuất vào cảnh phải dừng hoạt động.

Về giải pháp, Chủ tịch VNCA cho biết, ngành xi măng đang cố gắng giảm lượng clinker trong xi măng. Tuy nhiên, việc thay thế này cũng gặp không ít khó khăn.

Thách thức lớn thứ hai được Chủ tịch VNCA nhắc tới là tình trạng mất cân đối cung cầu. Cụ thể, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn, song do ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lên đến 120 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa là khoảng 50-60 triệu tấn.

Việc mất cân đối cung cầu nhưng nếu không có quy hoạch xi măng sẽ “nguy hiểm”, thị trường tiếp tục mất cân đối trầm trọng.

Thách thức cuối cùng của ngành xi măng phải đối mặt là vấn đề môi trường. Đầu tư vào môi trường giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp xi măng, nhưng hiện đang gặp khó khăn về thủ tục. Đơn cử, việc sử dụng rác thải, phế thải và bùn thải… làm nguyên liệu sản xuất xi măng gặp ách tắc vì lấy được nguồn là vô cùng khó.

Theo các chuyên gia, để tiếp tục phát triển, ngành xi măng Việt Nam phải tập trung chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, cần phải triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng. Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.