27/06/2023 8:23 PM
Chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đề xuất tận dụng nguồn vật liệu dư thừa từ quá trình xây dựng dự án Sân bay Long Thành để phục vụ thi công tuyến cao tốc nối Đồng Nai với BR-VT, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này.

Công trường thi công dự án Sân bay Long Thành

Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) vừa đề xuất với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phương án tận dụng nguồn đất dư thừa tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm vật liệu đất đắp cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Phía Ban QLDA 85 cho biết, quá trình triển khai dự án thành phần 2 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đang gặp khó khăn do thiếu vật liệu xây dựng, cụ thể là nguồn đất để đắp nền.

Qua khảo sát, đơn vị nhận thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cảng 7 và mỏ Núi Nứa. Tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3 là có thể sử dụng được cho dự án trong khi dự án cần hơn 2,5 triệu m3 (dự án thành phần 1 của cao tốc này yêu cầu 2,9 triệu m3 đất).

Các mỏ đất quy hoạch lại có vị trí xa, không phù hợp để sử dụng hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành khai thác.

Trái lại, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang tổ chức triển khai thi công san hạ cốt nền, lượng đất đào ra từ công tác này là tương đối lớn.

Phía Ban QLDA 85 cho rằng có thể tận dụng nguồn đất này để làm vật liệu đất đắp cho dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Do đó đơn vị đề nghị ACV cho phép nhà thầu xây lắp tiếp cận nguồn đất này để nghiên cứu, phân loại và tận dụng cho việc triển khai dự án cao tốc.

Được biết dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khởi công ngày 18/6 vừa qua. Giai đoạn 1 dự án có mức đầu tư 17.837 tỉ đồng thi công tuyến đường 4-6 làn xe phục vụ vận tốc lên tới 100km/h. Toàn tuyến dài 53,7km trong đó 34,2 km qua địa phận tỉnh Đồng Nai và 19,5 km còn nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án được chia thành 3 thành phần: Thành phần 1 và 3 do 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư đoạn tuyến thuộc địa phận các địa phương này, còn lại đoạn nối giữa 2 tỉnh dài 18,2 km tương đương dự án thành phần 2 sẽ do Ban QLDA 85 chủ quản đầu tư.

Được biết, dự án thành phần 2 yêu cầu mức kinh phí 6.852 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.179 tỉ đồng, chi phí xây dựng 3.871 tỉ đồng. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025, đi vào hoạt động năm 2026.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.