TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Lê Hồng Bàng. Tuy nhiên, sau 3 ngày xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Vụ án được khởi tố từ năm 2009, quá trình điều tra, truy tố và xét xử đến nay vẫn chưa thể kết thúc. Được biết, tháng 6/2012, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội - TAND Tối cao đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này và hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử lại.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ tháng 3 – 7/2009, Lê Hồng Bàng (SN 1976, trú tại Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Tổng giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam (có trụ sở tại đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) dù không có khả năng tài chính, không có chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh, nhưng đã cấu kết với Hoàng Văn Cường, Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – thương mại Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh, Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Hoàng Hà tạo dựng hồ sơ các dự án nhà ở.
3 đối tượng này sử dụng các pháp nhân nói trên để ký hợp đồng liên doanh đầu tư và kinh doanh 4 dự án nhà ở. Cụ thể, Dự án nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại Phương Đông, trên diện tích 25.000 m2; Dự án nhà ở thấp tầng 683, trên diện tích 10.000 m2; Dự án nhà ở thấp tầng Lộc Hòa, trên diện tích 40.000 m2 và Dự án nhà ở Cửu Long trên diện tích 200.000 m2.
Các dự án này đều nằm trên địa bàn xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội.
Dù chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép, nhưng 3 đối tượng trên đã tự đặt tên các dự án, thuê vẽ và in ra nhiều tờ bản đồ quy hoạch mặt bằng sử đụng đất tỷ lệ 1/500, bản đồ phân lô tỷ lệ 1/500, bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các dự án…
Ngoài ra, Bàng, Cường, Linh còn tổ chức thu mua đất nông nghiệp, tổ chức san lấp mặt bằng trái phép. Thu giữ tài liệu tại CTCP Sàn bất động sản Việt Nam, cơ quan điều tra phát hiện những chứng từ chi tạm ứng để trả tiền nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Trên cơ sở giấy biên nhận tiền và lời khai, có 34 hộ dân đã chuyển nhượng đất nông nghiệp với tổng diện tích 81.069m2 cho CTCP Sàn bất động sản Việt Nam và nhận số tiền 21,3 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Lê Hồng Bàng đã tổ chức san nền trái phép và nhiều lần bị UBND huyện Từ Liêm lập biên bản xử phạt.
Thông qua các đầu mối môi giới hoặc trực tiếp quảng bá giới thiệu, cam kết về tính pháp lý của các dự án, từ tháng 3 - 7/2009, Lê Hồng Bàng đã ký 841 phiếu thu tiền và 758 hợp đồng vay vốn với 397 người có nhu cầu mua căn hộ nhà ở, thu tổng số tiền 347,1 tỷ đồng. Bàng đã trả lại tiền cho người bị hại dưới hình thức thanh lý hợp đồng là 63,4 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 283,1 tỷ đồng.
Trong số 283,1 tỷ đồng, Bàng chi cho Hoàng Văn Cường là 165,9 tỷ đồng, chi cho Hà Tuấn Linh là 54,3 tỷ đồng. Các khoản chi này đều có chứng từ chi, có chữ ký nhận tiền của Cường, Linh, nhưng do hai bị can này đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa xác minh được khoản tiền này đã sử dụng như thế nào để thu hồi trả lại cho bị hại.
Trong số 397 người đã ký hợp đồng, mới chỉ có 284 bị hại có đơn tố cáo Bàng chiếm đoạt 207,7 tỷ đồng. 14 bị hại đã được thanh toán tổng số tiền 7,78 tỷ đồng. Còn lại 113 bị hại không có đơn tố cáo hoặc là không đến làm việc, không xác định địa chỉ. Cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự, tách phần tài liệu liên quan đến người bị hại không xác định được tên, địa chỉ để xử lý sau.
Đáng chú ý, Bàng còn thu tiền chênh lệch hàng chục tỷ đồng ngoài hợp đồng. Thời gian đầu, tháng 2/2009, Bàng bán các căn hộ với giá thấp nhất là 6,5 triệu đồng/m2, nhưng đến tháng 7/2009, giá bán được nâng lên thành 21 triệu đồng/m2. Do giá bán được nâng lên, khách hàng để mua được căn hộ phải chấp nhận trả tiền chênh ngoài hợp đồng từ 2 – 3 triệu đồng/m2. Tổng cộng có 217 người đã trả gần 70 tỷ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Trước khi khởi tố vụ án, hai đối tượng Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, phát lệnh truy nã các đối tượng này, đồng thời tách riêng vụ án đồng phạm với Lê Hồng Bàng của hai bị cáo, khi nào bắt được sẽ xét xử sau.
Kết quả điều tra cho thấy, cả 4 dự án này mới có công văn giới thiệu địa điểm, trích lục bản đồ của UBND xã Minh Khai gửi các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Chỉ có Dự án Phương Đông được Hà Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Hoàng Hà có văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội và các sở ban ngành chức năng của TP. Hà Nội xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án xây dựng.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội có văn bản gửi các Sở, ngành có liên quan thẩm tra về đề nghị của Công ty Hoàng Hà. Kết quả cho thấy, xét về quy hoạch kiến trúc, đề xuất của Công ty Hoàng Hà không phù hợp với chức năng ô đất tại quy hoạch chi tiết.
-
HoREA: Buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền
Trong văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Hiệp hội Bất động sản (HoREA) cho rằng việc bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho những đơn vị này, đồng thời thiếu công bằng với chủ đầ...
-
Bộ trưởng Xây dựng: Môi giới bất động sản phải có bằng đại học
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và người được cấp chứng chỉ phải có trình độ đại học chứ không phải chỉ là trung cấp....
-
Môi giới nhà đất, đừng để mang tiếng như Sở Khanh!
Có sự thay đổi không hề nhẹ, nói theo ngôn ngữ của mạng xã hội hiện nay, giữa việc tiếp cận khách hàng của dân môi giới nhà đất chuyên nghiệp thời giá nhà đất cao chót vót trước đây và tạm thời ở đáy bây giờ. Sự bất biến là quy luật chung, cho thấy n...