19/05/2018 8:50 PM
Cử tri "đòi" xử lý trách nhiệm về sai phạm trong các dự án BOT, cơ quan quản lý nhà nước chỉ trả lời chung chung.
Trạm thu phí Cai Lậy, dự án BOT đầy tai tiếng thời gian qua.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT, cử tri một số tỉnh, thành chưa hài lòng về việc xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước (có trách nhiệm người đứng đầu) trong việc quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán, chỉ định thầu, nghiệm thu không đúng quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước mà không bị xử lý trách nhiệm.
Bộ Giao thông Vận tải trả lời, sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ này đã hoàn thành nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu đầu tư chung của ngành, nhất là trong điều kiện Nhà nước còn nhiều khó khăn, với nhiều áp lực về nợ công.
Cho tới nay, nhiều tuyến quốc lộ đã được nâng cấp, mở rộng, hình thành nhiều tuyến cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế... cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của người dân và góp phần đổi mới, hoàn thiện bức tranh hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ đánh giá việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT cũng bộc lộ một số tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT chưa hoàn thiện và đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường.
Việc đầu tư cải tạo, mở rộng và hiện đại hóa các công trình hiện có là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT quy định tại nghị định số 108/2009/NĐ-CP. Cơ bản các dự án đều được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông hiện có làm người dân đang được sử dụng đường bộ không phải trả phí sẽ phải trả phí, không còn sự lựa chọn miễn phí gây ra tác động nhất định.
Công tác lập, thẩm định, tính toán phương án tài chính và phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn một số nội dung chưa hợp lý, công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của nhà đầu tư còn bất cập, tồn tại một số sai sót.
Tồn tại tiếp theo là công tác lựa chọn nhà đầu tư còn bất cập, các dự án cơ bản áp dụng hình thức chỉ định thầu. Mặc dù việc chỉ định thầu được thực hiện theo quy định pháp luật nhưng hình thức này còn thiếu sự cạnh tranh và có dư luận cho rằng còn thiếu minh bạch. Năng lực nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, chưa thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng nước ngoài tài trợ vốn.
Bộ cũng cho rằng, việc giám sát thi công chưa chặt chẽ, một số dự án chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quyết toán còn chậm, khó khăn trong việc xác định giá trị đầu tư thực tế, xác định thời gian thu giá hoàn vốn của dự án.
Công tác lựa chọn vị trí đặt trạm thu giá và chính sách giá tại một số dự án còn bất cập nên chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý nguồn thu của các trạm thu giá, còn có ý kiến cho rằng có hiện tượng gian lận trong thu giá.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định cũng đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đã chủ động có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án BOT để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thi công, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót, gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thi công công trình.
Tính đến thời điểm này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT. Tại kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán và đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định tính đúng đắn của chủ trương kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp, chỉ ra một số tồn tại trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT trong thời gian vừa qua nhưng không phát hiện có tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu giá.
"Đối với các tồn tại sai sót thuộc chủ quan, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và đã cập nhật điều chỉnh các sai sót theo ý kiến kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý", văn bản trả lời cho biết.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Hà Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.