16/07/2015 4:22 PM
Các cổ đông của Sacombank và Southern Bank đều thống nhất thông qua đề án sáp nhập. Như vậy thương vụ sáp nhập đình đám này được coi như là đã đến hồi kết, chỉ chờ văn bản chấp thuận cuối cùng của cơ quan quản lý để hoàn tất vào khoảng quý III này. Thị trường tài chính đang chờ đón một NHTMCP mới sau sáp nhập có vốn hóa lớn tương đương nhân hàng (NH) quốc doanh, cùng với đó là những kỳ vọng về một tương lai mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng vẫn còn đó những lo ngại cho “ông lớn”

Áp lực tăng vốn sau khi sáp nhập

Cty chứng khoán TPHCM (HSC) vừa đưa ra phân tích về chuyện sáp nhập hai NH này. Theo phân tích của HSC, Southern Bank có 4 rủi ro chính trước khi “về một nhà” với Sacombank. Thứ nhất, gia tăng 2.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC và 6.768 tỉ đồng các khoản vay đã tái cấu trúc có thể hiện tại được ghi nhận là nợ Nhóm 1 với số lãi phải thu lớn. Thứ hai, khả năng 714 tỉ đồng lỗ từ phải thu khách hàng quá hạn. Thứ ba, 4.529 tỉ đồng phải thu từ các hợp đồng mua bán lại cổ phiếu có thể vi phạm quy định của Thông tư 36. Thứ tư, khả năng hoàn nhập các khoản lãi dự thu cộng dồn, và riêng chỉ con số này cũng đã vượt quá vốn điều lệ của Southern Bank.

Và chính từ đó, về phía Sacombank thì sự rủi ro đó là khoản lãi phải thu không thể thu hồi của Southern Bank. Sau khi sáp nhập, Sacombank sẽ phải hoàn nhập dự phòng và con số này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hệ số CAR (tỉ lệ an toàn vốn). Điều này cũng đã được lãnh đạo của Sacombank thừa nhận. Cụ thể, theo tính toán của HSC, nếu Southern Bank trừ đi 7.500 tỉ đồng từ vốn điều lệ, hệ số CAR sẽ giảm xuống dưới 0. Với ước tính này, trong tương lai, Sacombank sẽ phải hoàn nhập khoảng 7.500 tỉ đồng lãi phải thu không có khả năng thu hồi từ Southern Bank. Đây thực sự là gánh nặng đối với Sacombank khi hệ số CAR theo báo cáo là 11% đối với Saccombank hợp nhất vào cuối năm 2014 (theo tài liệu M&A) và 9,87% riêng với Sacombank (theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên tháng 4.2015). Hệ số CAR chỉ cao hơn 2% so với mức quy định tối thiểu là 9%, việc khấu trừ lãi phải thu từ vốn điều lệ như vậy có thể đẩy hệ số này của Sacombank về dưới mức quy định ngay lập tức. Do đó, Sacombank sẽ phải đối mặt với nhu cầu tăng vốn sau sáp nhập nếu muốn bảo vệ hệ số CAR, các chuyên gia của HSC bình luận.

Câu hỏi về hai con số nợ xấu

Bên cạnh đó, HSC chỉ ra một thực tế, đó là có hai con số nợ xấu đang tồn tại tính đến thời điểm cuối năm 2014 của Southern Bank. Cụ thể, theo Cơ quan Thanh tra và Giám sát của NHNN, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, Southern Bank đã thu hồi 5.000 tỉ đồng nợ xấu, hoán đổi 1.444 tỉ đồng nợ xấu vào năm 2014 và 600 tỉ đồng nợ xấu vào năm 2014 cho VAMC và thực hiện tái cấu trúc 6.768 tỉ đồng nợ xấu. Do đó, nợ xấu của Southern Bank là khoảng 4.300 tỉ đồng vào cuối năm 2014 - tương đương với 9,98% tổng dư nợ, trong khi tỉ lệ nợ xấu của Southern Bank theo báo cáo trên tài liệu M&A của chính NH chỉ là 5,92% vào cuối năm 2014.

“Như vậy chúng ta có hai con số khác nhau về tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2014. Tỉ lệ 5,92% là con số đã kiểm toán, trong khi đó con số 9,98% là kết quả của Thanh tra NHNN. Bất ngờ là kiểm toán đối với BCTC năm 2012 của PNB là AIS (Cty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học), một Cty kiểm toán rất nhỏ, trong khi đó E&Y Việt Nam là đơn vị kiểm toán tư vấn cho kế hoạch sáp nhập” - các chuyên gia của HSC nhận định.

Giải thích về vấn đề này, theo HSC, về con số 2.044 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu VAMC, lãnh đạo Sacombank đã cho biết tổng số trái phiếu VAMC là 2.000 tỉ đồng đến cuối năm 2014. Do đó, chi phí dự phòng phải là 200 tỉ đồng (nếu là trái phiếu VAMC kỳ hạn 10 năm) hoặc 400 tỉ đồng mỗi năm (nếu là trái phiếu VAMC kỳ hạn 5 năm). Lãnh đạo của Sacombank cũng cho biết, số trái phiếu VAMC này sẽ được chuyển sang cho Sacombank sau sáp nhập và làm tăng thêm 200-400 tỉ đồng vào chi phí dự phòng của Sacombank mỗi năm trong 5-10 năm tới.

Đối với con số 6.786 tỉ đồng khoản cho vay đã tái cấu trúc trong giai đoạn từ 2012-2014 có khả năng được ghi nhận theo quy định của Quyết định 780 về tái cơ cấu thời gian trả vốn và lãi vay mà không yêu cầu điều chỉnh phân loại lại các khoản vay.

“Chúng tôi cũng không có thông tin về lãi phải thu chưa thu, dồn tích lại. Tuy nhiên, quyết định này đã hết hiệu lực. Có hai khả năng ở đây: Một là, nếu những khoản vay này đã được phân loại là nợ xấu vào năm 2012, sau đó được tái cấu trúc theo Quyết định 780, số nợ này vẫn được ghi nhận là nợ xấu. Có nghĩa là 4.300 đồng nợ xấu vào cuối năm 2014 là một phần còn lại của 6.768 tỉ đồng nợ xấu (theo đó, có thể hơn 2.000 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý). Khả năng thứ hai là những khoản vay này vẫn được phân loại là nợ Nhóm 1 vào năm 2012 sau tái cấu trúc. Có nghĩa là số nợ này vẫn là nợ Nhóm 1 và có khả năng kèm theo gánh nặng lớn về lãi phải thu dồn tích từ năm 2012-2014” - HSC bình luận. Quan điểm của HSC nghiêng về giả định thứ hai.

Bảo Chương (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.