Vị trí trung tâm, giá rẻ so với mặt bằng giá bất động sản nhà ở trên thị trường là những lý do chính yếu khiến cho việc mua, thuê chung cư mini trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu về nhà ở, bất chấp những rủi ro tiềm tàng về cả tính an toàn lẫn pháp lý.

Chung cư mini mọc lên như nấm hơn chục năm nay.

Xuất hiện trên thị trường từ lâu, nhưng chỉ đến năm 2010, loại hình chung cư mini (CCMN) mới được Bộ Xây dựng chính thức thừa nhận. Đến năm 2014, khái niệm CCMN mới được pháp luật quy định rõ tại Điều 22, Nghị định 71, Quyết định 24/2014/QĐ-UBND. Cụ thể, CCMN là nhà ở do cá nhân hoặc hộ gia đình xây dựng trên đất của mình, có từ hai tầng trở lên và mỗi tầng thiết kế từ 2 căn hộ khép kín riêng biệt. Tức mỗi căn hộ đều sẽ có các phòng, nhà vệ sinh, bếp riêng,... diện tích sàn mỗi căn tối thiểu từ 30m2. Ngoài ra, các căn CCMN cũng phải đáp ứng được những quy định về nhà ở chung cư tại Điều 70, Luật Nhà ở 2014.

Từ những quy định này, các tòa CCMN mọc lên như nấm khắp Hà Nội. Hơn 10 năm trở lại đây, CCMN được ví là loại hình bất động sản đắt khách, từng xảy ra nhiều đợt “sốt" trên thị trường.

Tiềm tàng rủi ro

CCMN hầu hết được xây dựng trên đất xen kẹt, nằm trong các ngõ hẻm khu vực đông dân cư. Do đó, CCMN tồn tại những bất cập như việc gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo các quy chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân...

Để tăng lợi nhuận cho các khu đất “vàng”, hầu hết các chủ CCMN đều xây vượt tầng cho phép. Nhiều chung cư không được đầu tư cơ sở hạ tầng, hoặc cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng thiếu quan tâm bảo trì để sửa chữa, gia cố, gây mất an toàn cho cư dân. Riêng vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, là một trong những bất cập của loại hình này, khi các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy dường như không được chủ công trình quan tâm, nhằm tiết giảm tối đa chi phí.

Hệ lụy khi xảy ra hỏa hoạn tại những tòa nhà xây dựng vượt tầng, sai mật độ, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đều để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng về tính mạng và tài sản.

Mới đây nhất là vụ hỏa hoạn hết sức thương tâm tại một CCMN tại Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Vụ cháy ghi nhận số người thương vong lớn nhất trong vòng 21 năm qua với 56 người tử vong và 37 người bị thương, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở TP HCM năm 2002 khiến 60 tử vong, 70 người bị thương.

Thay vì chỉ được xây 6 tầng, cùng tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật như trong giấy phép đã quy định, tòa nhà này được chồng thêm 3 tầng nữa. Mặc dù đã có quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu cưỡng chế nhưng thực tế, CCMN này “vẫn y nguyên” sau nhiều năm chín quyền địa phương ra văn bản?! Nhiều câu hỏi đặt ra về tính nghiêm minh trong các quyết định xử phạt này.

Trong khi đó, Nghị định 139 quy định, từ ngày 1.1.2018 đã không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định. Tất cả các công trình xây dựng sai phạm như xây lố tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật... đều phải xử lý theo đúng quy định.

Từ năm 2018, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện thống kê số lượng nhà CCMN trên địa bàn quản lý, tuy nhiên đến nay, Hà Nội chưa công bố được số lượng chung cư này.

Chấp nhận rủi ro để có được “chốn ở” hợp túi tiền

Những người tìm đến CCMN, đa phần là những cá nhân, hộ gia đình trẻ mới đi làm, người ở tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư hoặc bố mẹ ở quê mua tạm cho con cái học Đại học. Thực tế, những đối tượng mua loại hình nhà ở này đa phần không phải dân lao động chân tay mà hầu hết đều là lao động có trình độ, với đủ ngành nghề từ dân văn phòng, kế toán, bác sĩ, giáo viên,... Rất nhiều người trong số họ, trước khi “xuống tiền” mua CCMN đều “lờ mờ”, thậm chí là thấy rõ các nguy cơ từ pháp lý đến những rủi ro tiềm tàng về PCCC nhưng vẫn chấp nhận “nhắm mắt, đưa chân”.

Lý do là bởi, thị trường ngày càng thiếu trầm trọng các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với túi tiền của phần đông người dân. Chưa kể đến nhiều dự án nhà ở hình thành trong tương lai, không những giá cao mà pháp lý cũng có nhiều sai phạm.

Đứng trước mong muốn cần ổn định chỗ ở, trong khi tài chính có hạn, tiền ít, nhiều người không dám “mơ” mua được những căn hộ chung cư đảm bảo chất lượng, thì CCMN là lựa chọn phù hợp nhằm thỏa mãn đồng thời nhu cầu về nơi ở: vị trí trung tâm – ổn định – giá rẻ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thiết kế căn hộ mini cho thuê giá rẻ cũng đang trở thành hình thức đầu tư sinh lời và bùng nổ mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Rủi ro xảy ra là “việc đã rồi”. Câu chuyện đặt ra sau đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là bài toán nhà ở cho người dân và sự minh bạch, quyết liệt của cơ quan quản lý.

Theo ông Đính, nếu chủ công trình không “tham”, tuân thủ đúng quy định, có lẽ sự cố xảy ra sẽ không để lại thảm cảnh khủng khiếp đến như vậy.

Nếu cơ quan chức năng, làm việc đúng chức trách, sau khi phát hiện ra sai phạm, xử lý một cách triệt để. Nếu như công tác quản lý CCMN được tiến hành một cách thường xuyên và chặt chẽ, thì có lẽ sẽ không có tòa CCMN không đạt chuẩn nào được vận hành.

Nếu như thị trường có đủ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người dân, thì có lẽ những tòa CCMN không đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ không có cơ hội được tiêu thụ.

Ông Đính cho rằng, khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân chính là chìa khóa, là mấu chốt để có thể giải quyết được triệt để các vấn đề. Muốn vậy, rất cần thêm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư phát triển phân khúc này.

“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”, ông Đính nhấn mạnh. Theo vị này, cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng CCMN. Tuyệt đối tránh phê duyệt các CCMN có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận. Tương tự, các dự án nhà ở khác, CCMN cũng cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Và năng lực, trách nhiệm của người chủ CCMN cũng phải được quy định rõ.

Đặc biệt, việc kiểm soát xây dựng, vận hành CCMN phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, đảm bảo CCMN hoàn thành đúng với tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, thường xuyên được bảo trì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy...

  • Nhiều chung cư mini tại Hà Nội sẽ bị kiểm tra PCCC

    Nhiều chung cư mini tại Hà Nội sẽ bị kiểm tra PCCC

    Từ 15.9 đến trước ngày 30.10.2023, Hà Nội sẽ tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.