Báo cáo Tình hình thị trường BĐS và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường BĐS hoạt động lành mạnh của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 12/5 tập trung chủ yếu vào việc đề xuất cơ chế, chính sách quản lý thị trường nhằm chống đầu cơ, thao túng giá trong lĩnh vực này.
Kiểm soát dòng vốn đầu tư
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Đến 31/12/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với 31/12/2009.
Trong số này, tuy có phân định được tỷ lệ vay của các loại hình bất động sản, nhưng lại chưa phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu, dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Khi thị trường bão hòa, đây là nguyên nhân dễ gây đổ vỡ, "bong bóng" giá.
Thực tế, Bộ Xây dựng thừa nhận, thị trường nhà ở những năm vừa qua có sự phát triển mất cân đối. Thể hiện ở các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp. Đến nay, nguồn cung loại nhà giá cao (nhất là các chung cư cao cấp) dư thừa trong khi nhu cầu có khả năng thanh toán thực tế thấp, mà nguồn cung những nhà giá thấp, đáp ứng nhu cầu của số đông thì lại quá thiếu.
Hơn nữa, việc cho vay tín dụng có thế chấp cho cá nhân mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện đang dẫn đến một thực tế: chỉ những người có tài sản thế chấp mới được vay và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ.
Do đó, cơ quan quản lý đầu ngành trên cho rằng, trong bối cảnh siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao hiện nay, để thị trường phát triển ổn định, không trở thành nhân tố gây ra lạm phát cao, đồng thời cũng không bị "sốc" dẫn đến "đóng băng" thị trường, cốt lõi cần phải đưa ra tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay đúng đối tượng có nhu cầu thực, các dự án có tính thanh khoản cao. Hạn chế cho vay các dự án cao cấp.
"Việc coi lĩnh vực bất động sản thuộc lĩnh vực phi sản xuất để hạn chế tín dụng mà không phân biệt các loại bất động sản thiết yếu là chưa thỏa đáng. Thị trường BĐS không chỉ là ngành tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn góp phần tạo công ăn, việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.
Theo tính toán để xây dựng 1 m2 nhà ở cần từ 17 - 25 công lao động, chưa kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng; mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho công tác quản lý vận hành" - văn bản nêu rõ.
Xoá bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô
Qua khảo sát tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội vừa qua, Bộ Xây dựng đưa ra con số, trong khi các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỷ lệ nhà ở liên kế đưa vào sử dụng đạt 80% và thấp nhất là nhà biệt thự với tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt 58%.
Tỷ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, nhà liên kế, chủ yếu tại các dự án có vị trí xa trung tâm. Điều này đã và đang gây lãng phí, làm mất mỹ quan, trật tự đô thị, ảnh hưởng xấu đến tâm lý xã hội.
Nguyên nhân được đề cập là cơ cấu nhà ở trong các dự án chưa hợp lý, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ; hiện tượng đầu cơ tích trữ tài sản còn phổ biến. Đặc biệt, tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện, dẫn đến có nhiều dự án chậm tiến độ, sai quy hoạch, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Do đó, Bộ này kiến nghị: xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.
Đi kèm với đó, bộ sẽ xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ qua đô thị.
Ngoài ra, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng (các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%), phát triển mạnh nhà ở cho thuê; mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế "xin-cho" cũng là những kiến nghị được nhấn mạnh.