Bài 1: Nghĩa trang đồng loạt... hết chỗ!
Ông Trần Thế Phiệt (hơn 60 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) kể: “Ở tầm tuổi tôi, ai cũng muốn chọn một nơi để yên nghỉ khi nằm xuống. Ở quận nội thành không có đất chôn, nên tôi đã đi khảo sát các nghĩa trang xung quanh, thậm chí lên Ba Vì, ngược tận Thái Nguyên tìm chỗ. Đi khảo sát mới biết giá đất nghĩa trang khu vực Hà Nội không hề rẻ”.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang tập trung cấp thành phố gồm: Văn Điển, Yên Kỳ - Vĩnh Hằng, Mai Dịch, Thanh Tước, Sài Đồng, nghĩa trang liệt sỹ Nhổn và Ngọc Hồi. Theo chân bác Phiệt đi khảo sát mới thấy các nghĩa trang này đều trong tình trạng quá tải. Nghĩa trang Văn Điển rộng 18 ha nhưng đã ngừng nhận hung táng từ tháng 10/2010 và đã được chuyển hướng sang mô hình nghĩa trang - công viên, phục vụ hỏa táng, lưu giữ bình tro.
Nghĩa trang Yên Kỳ - Vĩnh Hằng (Ba Vì) mở rộng còn rộng khoảng 36 ha phục vụ nhân dân. Tuy nhiên theo Ban Lễ tang thành phố, nghĩa trang này chỉ đáp ứng nhu cầu được đến 2015. Với nghĩa trang ở Yên Kỳ, người nào mua chỗ phải gắn liền tên vào đó, phải có độ tuổi nhất định mới được mua.
Còn nghĩa trang Mai Dịch 5,9 ha, chỉ phục vụ cán bộ trung cao cấp và liệt sĩ, hiện chỉ còn vài trăm vị trí và đến năm 2015 sẽ hết chỗ.
Nghĩa trang Thanh Tước 7,4 ha cũng đã hết chỗ. Tại đây, nếu có ngôi mộ nào chuyển đi sẽ có người mua ngay tại chỗ “suất” đó với giá từ 40-50 triệu đồng. Tương tự, các nghĩa trang Sài Đồng, Nhổn, Ngọc Hồi cũng đã hết chỗ và đã đóng cửa.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn hàng nghìn nghĩa trang nhân dân tự phát diện tích từ vài nghìn m2 đến vài chục ha như nghĩa trang Quán Dền (Trung Hòa - Nhân Chính) rộng 18 ha. Nghĩa trang này còn khoảng 300 chỗ nhưng chỉ phục vụ dân địa phương với điều kiện đã sống ở địa bàn trên 30 năm. Và theo dự kiến cũng chỉ khoảng 4 năm nữa sẽ hết chỗ.
Nghĩa trang khu phố Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan, lọt thỏm vào giữa khu dân cư cao tầng quá tải từ lâu. “Khi có phần mộ chuyển đi, muốn mua “suất” đó giá từ 80 - 100 triệu đồng và cũng phải đăng ký trước hàng tháng để có chỗ. Tương tự, muốn mua “suất” ở nghĩa trang chùa Láng giá từ 60-80 triệu đồng. Tuy nhiên phải mua trước từ phần mộ nào đó chuyển đi”, bác Phiệt cho biết.
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: “Mặc dù quy chuẩn về quy hoạch đã nêu rõ, khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư gần nhất tối thiểu là 1,5 km nhưng trên thực thế, quy chuẩn này đã bị “bỏ quên” khi mà thế giới của người sống và người đã khuất gần như không có sự tách bạch như vốn có tại nhiều khu đô thị. Chính vì vậy, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, việc thực hiện quy hoạch nghĩa trang đô thị ở Hà Nội trở nên cấp thiết”. |
Hiện nay, nhu cầu xã hội về chỗ an nghỉ cho người dân thủ đô rất lớn. Hà Nội có quy mô dân số lớn, trong khi các nghĩa trang tập trung do thành phố quản lý đang dần chật chỗ và không đáp ứng được yêu cầu yên nghỉ của nhân dân. Một số nghĩa trang mới đang được tính đến việc mở rộng, nhưng do tính chất đặc thù, ảnh hưởng môi trường sinh thái, nên việc quy hoạch quỹ đất, đầu tư mới, mở rộng nghĩa trang gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi cũng đã về quê và lên tận Thái Nguyên khảo sát, nhưng giá cũng tầm 3-5 triệu đồng/m2, đường lại xa. Qua bạn bè giới thiệu và tham khảo thông tin, tôi cũng mua “phần để dành” tại công viên nghĩa trang có tính xã hội hóa ở Lạc Hồng Viên tại Kỳ Sơn (Hòa Bình)”, bác Trần Thế Phiệt cho biết.
Ai cũng có nhu cầu về một chỗ an nghỉ khi nằm xuống, chính vì vậy, nhiều người có tuổi như bác Phiệt đều mong muốn thành phố sớm có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần giới thiệu những công nghệ, hình thức táng mới để mọi người hiểu và chấp nhận, nhất là công nghệ hỏa táng.