Giữa thời điểm thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn ở nhiều phân khúc thì loại hình bất động sản công nghiệp vẫn phát triển ổn định, giá cho thuê tiếp tục tăng.

Thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển ra sao?

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 3/2023, thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới.

Đơn cử như, VSIP II quy mô 500ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai;…

Cũng theo thống kê từ Bộ Xây dựng, lượng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian qua đã tác động khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2023.

Trong đó, bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc có lực cầu cao từ lĩnh vực điện tử, đối với khu vực phía Nam là nhóm sản xuất ô tô, may mặc, bao bì.

Theo khảo sát của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhu cầu thuê và công suất cho thuê bất động sản công nghiệp trong quý 3/2023 có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở khoảng 85% đến 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.

Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý 3/2023 cơ bản ổn định so với quý 2/2023. Thị trường cũng ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.

Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp

Nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã cho biết những định hướng lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp tại các địa phương trong thời gian tới.

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Thành phố cũng chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Đà Nẵng sẽ hình thành mới các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Thành phố cũng ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu.

Thành phố còn ưu tiên đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Hòa Ninh để đáp ứng nhu cầu hạ tầng công nghiệp; nghiên cứu quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận định hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại.

Tỉnh ưu tiên thu hút vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỉ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp đã thành lập. Đồng thời phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp có tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế.

Theo quy hoạch, Ninh Thuận tiếp tục phát triển 03 khu công nghiệp hiện có và 01 khu công nghiệp thành lập mới với tổng diện tích 1.682 ha.

Tỉnh cũng thành lập mới 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 515,28 ha khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định về cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 770,04ha.

Đặc biệt, quy hoạch còn định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh (dự kiến khoảng 43.900 ha) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, nằm trên địa bàn các huyện Thuận Nam và Ninh Phước.

Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh là động lực tăng trưởng mới của tỉnh với các dự án động lực, có quy mô lớn như: Cảng và dịch vụ Cảng, logistics, năng lượng, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.