Nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã hé mở nhiều vùng đất mới về phát triển du lịch tại khu vực miền Trung.

Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò. Ảnh: Lưu Bang

Nhiều vùng đất phát triển du lịch mới

Nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã hé mở nhiều vùng đất mới về phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực miền Trung.

Ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển các khu vực có ưu thế về du lịch biển (vịnh, bãi tắm), hồ, cồn cát và khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt.

Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ thuộc khu vực dải không gian ven biển tỉnh Ninh Thuận, thuộc địa giới hành chính của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng sẽ phát triển các khu du lịch Hồ Tân Giang, hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt với các loại hình du lịch độc đáo, đa dạng, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và bản sắc của từng khu vực. Phát triển đồng thời các khu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, di sản, du lịch sinh thái rừng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch. Trong đó, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (có bao gồm loại hình tàu thủy lưu trú du lịch), thiết kế sáng tạo, độc đáo, khác biệt, thân thiện môi trường.

Thành phố cũng phát triển Khu du lịch Sơn Trà và Nam Bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà) thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế; các điểm du lịch văn hóa - lịch sử; khu, điểm tham quan, du lịch vui chơi giải trí hiện đại và đặc sắc; khu, điểm du lịch sáng tạo.

Đà Nẵng cũng thực hiện quy hoạch hạ tầng phục vụ tuyến tham quan, du lịch biển trên tuyến hàng hải quốc tế gắn với điểm du lịch biển đảo Hoàng Sa.

Chưa hết, thành phố còn đầu tư hoàn thiện hạ tầng để đưa các khu vực trung tâm thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách. Phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò.

Cùng với đó, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các khu vực vùng núi huyện Hòa Vang, khu vực suối Lương, quận Liên Chiểu.

Một tỉnh khác ở khu vực miền Trung là Quảng Bình cũng định hướng phát triển du lịch tỉnh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững.

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp...

Quy hoạch cũng định hướng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Khu du lịch quốc gia, giữ vững các tiêu chí được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% GRDP của tỉnh.

Một dự án bất động sản nằm tại khu vực ven sông Cổ Cò. Ảnh: Lưu Bang

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển ra sao?

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 3/2023, thị trường khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án đã khai trương và ra mắt thị trường như: Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen & Resort tại Quảng Bình; khu nghỉ dưỡng 5 sao Lady Hill Sapa Resort tại Lào Cai; khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân tại Bình Định.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng để bán, nguồn cung mới tiếp tục có xu hướng giảm so với quý trước.

Theo một số tổ chức nghiên cứu thị trường, trong tháng 7 và tháng 8, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng được mở bán mới là rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua và lượng đặt cọc thấp khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Thực tiễn này đã khiến cho nguồn cung mới đối với loại hình bất động sản này liên tục giảm trong năm 2023.

Trong báo cáo về thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận, DKRA Group cho biết, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong quý 3/2023 ở tất cả các phân khúc. Hầu hết nguồn cung thị trường hiện nay đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án đã mở bán trước đó.

Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong hơn một năm qua. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp giảm xấp xỉ 59% so với cùng kỳ, giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà và được quản lý, vận hành bởi các đơn vị quốc tế 4 - 5 sao.

Mặt bằng giá sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao. Các chính sách chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,… vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.