Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, đối với 8 Bộ, ngành và 12 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Chiều 17/8, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thời gian có hạn, lực lượng hạn chế nên cần đi từ mục tiêu, xác định những rủi ro như trong việc ban hành pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật, từ đó xác định những vấn đề trọng yếu cần phải tập trung trong đề cương và triển khai giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đoàn này sẽ thực hiện giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại 8 bộ, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Cùng đó, 12 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trong diện giám sát lần này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, bởi đây là tư liệu quý về thực tiễn triển khai pháp luật trọng phạm vi cả nước; cùng với đó là chú trọng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về hai dự án luật Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi); xem xét những nội dung đang tập trung để sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật này, những vấn đề cần phải trả lời liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Góp ý kế hoạch giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rút kinh nghiệm từ các cuộc giám sát trước đây khi quá thiên về diện mà ít chú ý đến trọng tâm, trọng điểm hoặc xác định trọng tâm, trọng điểm chưa rõ, đề nghị nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về các dự án luật này.

Ông nhấn mạnh các chuyên đề giám sát ngoài diện còn phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định trọng yếu, xác định rủi ro, những vấn đề then chốt bởi nếu không xác định sớm từ đầu thì sẽ “bơi” trong một “rừng số liệu” trong khi thời gian chỉ có hạn.

Đây là yêu cầu bắt buộc để các Đoàn giám sát, các Tổ công tác phải trả lời được, đồng thời phải gắn vào những khó khăn, vướng mắc hiện nay của thị trường nhà ở và vấn đề bất động sản, liên quan đến cả đất đai để tìm câu trả lời.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.