Đến nay, hơn 200 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở ven sông được bố trí đất ở, hỗ trợ tiền làm nhà ở tại khu tái định cư.
Sau trận lũ lịch sử năm 1999, tỉnh Quảng Trị qui hoạch 140 ha tại vùng gò đồi xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, thực hiện “Dự án di dân vùng lũ tái định cư Tây Triệu Phong”.
Đến nay, hơn 200 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở ven sông được bố trí đất ở, hỗ trợ tiền làm nhà ở tại khu tái định cư. Đã có hàng chục ngôi nhà và 2 trường học được đầu tư tiền tỷ xây xong nhưng lại bỏ hoang, gây nhiều lãng phí.

15 năm nay, chính quyền xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thực hiện 7 đợt di dân, bố trí 200 hộ ở vùng thấp lụt, sạt lở ven sông vào sống trong Khu tái định cư vùng lũ Tây Triệu Phong. Hai đợt đầu, mỗi hộ được cấp 1.000 m2 đất ở và hỗ trợ 2,7 triệu đồng để làm nhà. Các đợt sau, mỗi hộ được cấp 1.500 m2 đất và 12 triệu đồng.
Ông Phan Trọng được bố trí vào khu tái định cư đợt đầu tiên kể lại: từ khi lên đây, bà con không còn lo chuyện “chạy lũ” nhưng lại phải sống “một cảnh hai quê”. Vì ở đây, bà con chỉ được cấp đất ở, còn đất canh tác phải về nơi ở cũ. Đã vậy, đất ở cũng chưa được cấp sổ đỏ, mỗi lần sinh hoạt, họp thôn xóm, bà con phải về nơi cũ, bất tiện đủ đường.
Nhiều ngôi nhà xây dang dở
Hiện trong khu tái định cư này, nhiều gia đình đã nhận đất, nhận tiền hỗ trợ rồi xây nhà nhưng đóng cửa nhiều năm nay, ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Ông Phan Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biết, trước đây do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tiền hỗ trợ thấp, bà con không đủ tiền làm nhà, chỉ xây xong phần thô rồi bỏ giữa chừng. Một số hộ tự ý sang nhượng đất cho người khác rồi trở về quê cũ làm ăn.
Ông Phan Văn Khoa cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần vận động, dân lên ở được thời gian rồi quay về quê cũ: “Đã có một số hộ đã xét cấp đất nhưng chưa đến ở. Nhiều năm về phía xã cũng vận động. Đợt này làm hồ sơ chuyển cấp sổ đỏ lâu dài. Những hộ nào chấp hành tốt, ở ổn định xã đề xuất đo đạc, cấp sổ đỏ, hộ nào chưa ở tạm dừng”.
Điểm trường cấp 1 tại Khu tái định cư vùng lũ Tây Triệu Phong ngày càng xuống cấp.
Điều đáng nói, trong khi học sinh ở Khu tái định cư hàng ngày phải lặn lội về chỗ nơi ở cũ để học, 2 ngôi trường mới xây hơn 3 tỷ đồng rất khang trang lại biến thành kho cất giữ lúa ngô.
Bà Nguyễn Thị Cần, ở Khu tái định cư vùng lũ Tây Triệu Phong cho biết, trường học này bỏ trống suốt 5 năm nay rất lãng phí: “Bên trường rộng là cấp 1. Họ cứ làm sau đó bỏ hoang”.
Thầy Võ Nguyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thương, huyện Triệu Phong, đơn vị được giao quản lý sử dụng điểm trường mới này phân trần, trường xây rất đẹp, nhưng không có tường rào, cổng ngõ, bàn ghế, thiếu thiết bị dạy học và học sinh nên chưa tổ chức dạy học được.
Ông Nguyễn Hoàng Lan, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: “Dự án dân vùng lũ tái định cư Tây Triệu Phong” do UBND huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm thi công cơ sở hạ tầng, điện đường, trường học. Chi cục chỉ hỗ trợ tiền cho dân di dời để làm nhà ở. Sắp tới đây, Chi cục phối hợp với các địa phương rà soát lại dự án, yêu cầu các hộ dân lên ở, nếu không sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để thu hồi bố trí cho hộ khác.
Trường học tiền tỷ xây xong thành kho chứa ngô thóc.
Hiện nay, rất nhiều hộ dân ở vùng sạt lở ven sông, vùng thấp trũng của xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị mong muốn được di dời đến nơi ở an toàn. Trong khi đó “Dự án di dân vùng lũ tái định cư Tây Triệu Phong” vẫn dang dở, nhiều nhà xây xong bỏ hoang. Nghịch lý này đã và đang xảy ra nhiều nơi nhưng chính quyền và ngành chức năng vẫn bình chân như vại./.
Đình Thiệu (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.