Gần đây, dư luận xã hội xôn xao về chuyện có một số biệt thự công bị một số cán bộ chiếm dụng dần dần chuyển thành nhà tư nhân. Vấn đề đặt ra là quản lý những ngôi biệt thự vừa có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc này giữa lòng Thủ đô Hà Nội như thế nào cho hợp lý, cũng như phải có một quy hoạch tổng thể các ngôi biệt thự cổ như thế nào để Hà Nội không bị mất đi những lát cắt tinh túy của lịch sử? Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao đổi cùng VOV về chủ đề này.
PV: Thưa KTS, vừa rồi dư luận có xôn xao trước việc một số ngôi biệt thự công tại Thủ đô Hà Nôi bị sử dụng không đúng. Vậy theo ông cách thức mà những ngôi biệt thự này được giao sử dụng và quản lý đã đúng chưa ạ?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Cùng quá trình phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ Pháp chiếm giữ Hà Nội, tại đây đã xây dựng một loạt các khu biệt thự, đặc biệt nằm ở khu phố cũ của Hà Nội, những khu biệt thự này có giá trị sử dụng, giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật.
KTS Nguyễn Tấn Vạn (Ảnh: KT)
Chính vì thế những năm vừa qua, Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, phân loại, phân hạng các biệt thự, mục đích là để bảo tồn các khu biệt thự đó. Vì thực tế, rất nhiều biệt thự đẹp đã bị hóa giá, bán đi, và các doanh nghiệp đã đập luôn, và xây dựng nhà có tầng.
Với chính sách như hiện nay, đã phân loại những biệt thự không được phá bỏ, không được hóa giá, không được tư nhân hóa, và nếu cần thì không được xây dựng cao. Đấy là một chính sách hoàn toàn đúng đắn của Thành phố.
Hà Nội đẹp hay không là cũng nhờ không khí của biệt thự đó, bởi vì nó có ý nghĩa, không những về sử dụng mà còn có ý nghĩa của lịch sử kiến trúc ở các thời kỳ khác nhau.
Hà Nội đã thuê các biệt thự đó, cũng là đúng, nhưng người sử dụng không nên lấn tới chiếm dụng biến nó thành tư hữu.
PV: Thưa KTS, mặc dù được phân loại rất kỹ và được quản lý, nhưng hình như một số ngôi biệt thự vẫn thất thoát. Phải chăng việc quy hoạch để quản lý những ngôi biệt thự này vẫn chưa đi kịp thực tế, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Đó là điều đáng tiếc của chúng ta, và tất nhiên, chính sách bao giờ cũng đi cùng với nhận thức. Khi chúng ta nhận thức được rằng bảo tồn những biệt thự đó là một điều quan trọng trong phát triển đô thị, lúc đó chúng ta mới có chính sách.
Trước kia, khi có Nghị định 61 thì chưa đặt vấn đề những khu không được hóa giá, không được bán, không được tư nhân hóa… Chính sách đó ra hơi chậm. Chính vì thế chúng ta đã mất một số biệt thự rất giá trị và bây giờ không gỡ lại được.
Rất may là Hà Nội đã dừng lại, và ra một quy chế quản lý các biệt thự đó. Việc quyết định giữ lại tất cả biệt thự của các khu vực được phân hạng là một quyết định đúng đắn.
PV: Mặc dù nằm trong danh mục không bán, không hóa giá, nhưng việc quản lý những biệt thự này vẫn buông lỏng, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Hiện nay, Hà Nội đã ban hành một quy chế hóa giá quản lý biệt thự. Mặc dù hơi chậm, nhưng mà có còn hơn không.
PV: Có những ngôi biệt thự công tọa lạc ở một vị trí đẹp, rộng rãi nhưng được thuê với giá chưa đến 500.000 đồng/tháng. Ông nghĩ sao về mức giá này?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Cái này cần xem lại chính sách cho thuê nhà. Bởi vì khu biệt thự với mảnh đất rộng thế, hiệu quả như thế mà thuê một tháng như vậy thì có lẽ nó dành ưu ái cho một số đối tượng mà thôi, chứ không phải là một chính sách sử dụng công sản để phát triển, đem lợi ích cho xã hội.
PV: Liệu có nên đưa ra thêm những quy chế, quy định về biệt thự công không, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Tôi nghĩ, ngoài quyết định nghỉ công việc, để chuyển công tác khác, về hưu... thì cần kèm thông báo về bàn giao nhà ở, và các công sản khác. Hiện nay chúng ta đang xử lý công việc có tình cảm nhiều hơn là lý trí. Chúng ta giải quyết tình nghĩa nhiều hơn là pháp luật, dư luận xã hội không đồng thuận.
PV: Vậy nhưng vẫn có những người tiếp tục muốn chiếm hữu những ngôi biệt thự như thế. Trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Chúng ta phải chấn chỉnh lại từ nhận thức của những người được sử dụng nhà công vụ, cho đến trách nhiệm của người quản lý, trách nhiệm của chính quyền đô thị. Người quản lý có tài sản của Nhà nước phải nhận thức rạch ròi, minh bạch; và xã hội cũng phải lên án những hành động không rõ ràng trong sử dụng tài sản công.
PV: Nhân nhắc đến dư luận thì ông có cho rằng cần minh bạch hóa câu chuyện trả lại nhà công vụ sau khi đã hoàn thành công tác không, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Điều đó là việc đương nhiên phải làm. Mọi người đều hiểu rằng, đó là tài sản của công, đó là nhà công vụ. Hiện nay, có những người đảm nhận công việc rất lớn, rất quan trọng nhưng họ phải đi thuê nhà ở vì không cung cấp đủ nhà công vụ.
PV: Trên thế giới thì mô hình nhà công vụ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
KTS Nguyễn Tấn Vạn: Trên thế giới, nước nào cũng có nhà công vụ. Tại Mỹ, tôi thấy khi sử dụng hết thời gian được cho phép, họ trả lại ngay.
PV: Cảm ơn ông!