Tập đoàn Hoa Sen muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực tiềm năng như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, giáo dục, công nghệ bán dẫn, du lịch sinh thái...

Chi 5.000 tỷ đồng để mở rộng ngành nghề kinh doanh

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) vừa công bố bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023-2024 sẽ diễn ra vào ngày 18/3 tới đây tại TP.HCM.

Theo đó, nhà sản xuất tôn mạ này bổ sung tờ trình về việc thông qua chủ trương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) cho cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành, cán bộ quản lý, nhân sự chủ chốt.

Hoa Sen muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh

Hoa Sen muốn nghiên cứu, xúc tiến, triển khai đầu tư mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có tiềm năng và khả thi, bao gồm nhưng không giới hạn trong các ngành nghề, lĩnh vực.

Cụ thể, doanh nghiệp này muốn lấn sân sang các lĩnh vực tiềm năng như: Tài chính; ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí chính xác; cơ khí chế tạo; công nghệ bán dẫn; phát triển dự án văn phòng, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị; giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; thâu tóm - sáp nhập (M&A); văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện...

Ban lãnh đạo Hoa Sen trình cổ đông thông qua tổng mức đầu tư tối đa đối với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới được lựa chọn mở rộng là không quá 5.000 tỷ đồng. Chi tiết giá trị đầu tư cụ thể ủy quyền cho HĐQT xem xét, quyết định và triển khai thực hiện.

“Trong trường hợp ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được lựa chọn mở rộng có quy định về điều kiện vốn điều lệ tối thiểu hoặc xét thấy cần thiết phải tăng quy mô, năng lực tài chính của tập đoàn để đầu tư, triển khai. Sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định, phê duyệt và thực hiện các thủ tục pháp lý để tăng vốn theo quy định với mức tăng không vượt quá tổng mức đầu tư tối đa đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua”, Hoa Sen cho biết thêm.

Về phương án phát hành cổ phiếu ESOP, Hoa Sen dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn 55% so với giá trên sàn hiện nay (đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/2, giá cổ phiếu HSG dừng ở mức 22.750 đồng/cp).

Được biết, đối tượng phát hành là cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành và cán bộ quản lý, nhân sự chủ chốt khác thuộc tập đoàn. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Lên kế hoạch lãi 500 tỷ đồng năm 2024

Trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Hoa Sen đưa ra kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản.

Kịch bản 1, Hoa Sen ước tính doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, nếu sản lượng tiêu thụ tăng 13% lên 1,625 triệu tấn. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 400 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với kết quả thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Kịch bản 2, trong trường hợp tổng sản lượng tiêu thụ tăng 21% lên 1,73 triệu tấn, doanh thu ước tính của nhà sản xuất tôn mạ này là 36.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó có thể đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 16 lần.

Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết, thị trường ngành thép trong năm 2023 tiếp tục đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp, tác động đáng kể đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể, nhu cầu thép tại hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới giảm mạnh do hoạt động xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng suy giảm, ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát, chi phí năng lượng tăng cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với tốc độ giảm giá nhanh đã củng cố xu hướng giảm giá thép trên toàn thế giới.

Trong nước, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý khi kinh doanh, xây dựng bất động sản vẫn còn hiện hữu. Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa yếu khiến các doanh nghiệp trong ngành liên tục phải điều chỉnh giảm dần giá bán để cạnh tranh.

Kết thúc niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 31.651 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này chỉ đạt 30 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 30% kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh trên, doanh nghiệp này sẽ trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức cho niên độ 2022-2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2023.

Vừa qua, HĐQT Hoa Sen đã bàn bạc, thống nhất chủ trương xúc tiến, tìm kiếm đối tác có nhu cầu để chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái.

Dự án này do Công ty CP Hoa Sen Yên Bái - công ty con của Hoa Sen làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 5/2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, Hoa Sen đã góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án. Theo đó, vốn điều lệ của Hoa Sen Yên Bái tăng lên mức 421 tỷ đồng, Hoa Sen sở hữu 95,962%. Tính đến hết quý 1 niên độ tài chính 2023-2024, chi phí xây dựng tại dự án Hoa Sen Yên Bái ghi nhận gần 386 tỷ đồng.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm
  • Dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen